ThienNhien.Net – Đê sông, đê biển vùng ĐBSCL không thôi chưa đủ sức ngăn mặn, giữ ngọt, chống tràn. Sóng biển vẫn đang bào mòn tuyến đê biển từ biển Đông sang biển Tây. Qui luật lập địa vùng đất phù sa bị xáo trộn do thiên nhiên, do chính con người gây ra. Đó là vì dải rừng phòng hộ đê biển chưa choàng kín và không đủ sức chống chọi với sóng biển, nước dâng.
Đê Tây thương tích, Đê Đông hở sườn
Tuyến đê biển Tây kéo dài từ Cà Mau đến Kiên Giang xói lở, bồi lắng đan xen. Tuyến đê này được xây dựng sau bão số 5 (năm 1997), giúp người dân vùng bán đảo Cà Mau “ấm lưng” trong mùa mưa bão. Thế nhưng, nhiều năm nay đoạn đê đi qua các huyện Hòn Đất (Kiên Giang), U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân (Cà Mau) bị xói lở, sóng biển xâm thực mùa gió mùa Tây-Nam.
Tuyến đê biển, đê sông phía Tây từ Mũi Cà Mau đến Hà Tiên (Kiên Giang) dài khoảng 260 km trở nên mong manh, xói lở, đầy thương tích do nền đất yếu khó chống chịu sóng biển. Đứng trên đê biển Tây, rạch Tiểu Dừa (huyện U Minh, Cà Mau) bị sạt lở một đoạn dài gần 200 m.
Dường như cứ ở đâu có cửa biển thì ở đó có sạt lở, như cửa Hương Mai (U Minh), cửa Đá Bạc, cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời), cửa biển Cái Cám (Phú Tân) sạt lở 150 m, ăn sâu vào chân đê. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Cà Mau, cho biết: “Các điểm sạt lở đang rộng thêm, sạt lở nhanh vào mùa gió mùa Tây- Nam. Chúng tôi đã khảo sát, gia cố nhưng chưa ngăn được tốc độ sạt lở do sóng biển”.
Thời điểm này, gió mùa Tây – Nam vào đất liền, sóng vỗ bờ, sạt lở nghiêm trọng hơn. Một vài điểm sạt lở được gia cố bằng rọ đá nhưng không chống đỡ nổi, càng ngày sạt lở rộng thêm. 19 điểm sạt lở đê biển Tây đựơc khảo sát có chiều dài hơn 2.500 m. Sạt lở tuyến đê biển Tây trong mùa mưa này nghiêm trọng hơn trước.
Không kém phần mong manh so với đê biển Tây, tuyến đê biển Đông ở địa bàn các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre cũng sạt lở, yếu đuối. Đặc biệt, tại bàn tỉnh Cà Mau, đê biển hở sườn với chiều dài hơn 150 km.
Ông Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Bạc Liêu cho biết, tuyến đê biển Đông trên địa bàn tỉnh dài 56 km, bảo vệ hàng ngàn hộ dân, với gần 90.000 ha đất sản xuất. Nhưng tuyến đê này chỉ có thể chịu được tối đa bão cấp 9, còn nếu lỡ ra bão cấp 10-12 thì vỡ đê là đều không thể tránh. Rừng phòng hộ xung yếu ven biển đang bị tàn phá, mất khả năng bảo vệ ven biển.
Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Sóc Trăng cho biết ở tỉnh Sóc Trăng có xảy ra hiện tượng nước biển dâng cao bất thường. Các một số huyện ven biển như Vĩnh Châu, Cù Lao Dung nước biển “nuốt chửng” nhiều dải đất ven biển, ven sông. Tỉnh Sóc Trăng có 72 km bờ biển bị bào mòn, lấn sâu vào đất liền.
Vùng sông nước ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Hiện tượng sạt lở bờ sông diễn ra với tốc độ cao, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất người dân. Hàng ngàn héc- ta đất ven sông bị mất đi. Diện tích đất sản xuất, công trình xây dựng bị đe dọa, yêu cầu giữ nước chống tràn bị động.
Ông Nguyễn Văn Hai, 79 tuổi, ở trên kênh xáng Đội Cường, xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) nhớ lại: “Mấy chục năm trước, bên này kênh xáng gọi bên kia nghe rồi. Còn bây giờ, kênh xáng Đội Cường lở vài trăm mét mỗi bên. Bà con chúng tôi phải dời nhà vô trong vài ba lần rồi nhưng sẽ còn phải dời nữa!”
Đê biển Tây bị sạt lở đang được kè tạm |
Nguyên nhân sạt lở được Sở NN- PTNT Cà Mau xác định là do dòng chảy xiết, sóng tự nhiên, sóng do các phương tiện lưu thông với mức độ dày đặc. Hàng năm, tỉnh Cà Mau xảy ra hàng chục vụ sạt lở đất ven sông, nhấn chìm nhiều nhà dân tại Chợ Thủ, Vàm Lổ, Năm Căn, Tân Tiến (Cà Mau) và Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu).
Hệ thống sông ngòi (chỉ tính kênh cấp 3) trên địa bàn tỉnh Cà Mau dài 7.620 km. Mỗi năm, sạt lở khoảng 0,2 m, làm mất đi 355,6 ha đất ven sông. Cá biệt, các con sông Cửa Lớn (Năm Căn), Cái Đôi Vàm (Phú Tân), Kênh xáng Đội Cường (Cái Nước), Kênh xáng Thị Kẹo (Trần Văn Thời) có nơi lở vào sâu 3-4 m.
Từ đầu mùa mưa 2009 đến nay, tỉnh Cà Mau xảy ra 4 vụ lở đất ven sông tại xã Tân Tiến (Đầm Dơi), Sông Cái Lớn (Năm Căn), Chợ Chà Là (Đầm Dơi) làm hư hại hàng chục ngôi nhà. Thời điểm sạt lở thường vào giữa đêm khuya, nước ròng sát, xuất hiện những vết nứt trên bờ sông. Người dân sống ven sông đã hình thành ý thức, hễ nghe tiếng cục kịch, răng rắc nhà cửa là chạy lên bờ để thoát thân.
Sở NN- PTNT Cà Mau khảo sát, hàng năm, tỉnh Cà Mau mất khoảng 355 ha đất do sạt lở bờ biển, bờ sông. Tỉnh Cà Mau xây dựng bờ kè cửa biển Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) dài gần 1.200 m bằng bê- tông chắn sóng đã mất hơn 39 tỷ đồng. Bà con sông ven biển, ven sông trồng cây gây rừng để bảo vệ đất sản xuất và nhà cửa.
Tấm áo giáp xanh rách nát
Diễn thế lập địa tự nhiên rừng ngập mặn ven biển Nam bộ lấn dần ra phía biển. Cây mắm tiên phong bám phù sa thành bãi bồi, thành rừng. Theo sau, cây đước cứng cáp tạo thành dải rừng phòng hộ làm lá chắn, giảm cường lực, chống sạt lở. Nhưng áp lực đói nghèo và lợi ích trước mắt khiến rừng phòng hộ trở nên mỏng manh, yếu đuối trước sóng to, gió lớn.
Rừng phòng hộ đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau dài 93 km thuộc các huyện ven biển U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân… có trên 3.000 hộ với hơn một vạn dân sinh sống. Trong đó, chưa đến một nửa số hộ dân có hộ khẩu thường trú, còn lại là tạm trú, di dân tự do. Ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau cho biết số hộ dân cư trú trong và ngoài đê thuộc khu vực rừng phòng hộ khoảng hơn 2.100. Họ không có đất sản xuất, đang gây áp lực lên tài nguyên rừng.
Rừng phòng hộ biển Tây thuộc địa phận huyện U Minh có hơn 300 hộ dân sinh sống, đa số còn nghèo khó. Ông Lê Thanh Triều, Q. Chủ tịch UBND huyện U Minh, nhận định: “Dân nghèo, đời sống người dân còn gặp khó khăn thì khó quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đó là chưa kể việc chính họ trực tiếp chặt phá rừng phòng hộ vì mưu sinh.
Ông Nguyễn Xuân Nghi, cán bộ Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây, cho biết: “Người dân có hợp đồng nhận khoán đất rừng, được phép cải tạo 30 % diện tích để nuôi tôm, còn 70 % diện tích rừng phải bảo vệ rừng. Thực tế, người nhận khoán đất rừng làm đảo lộn tỷ lệ trên”.
Chi cục kiểm lâm Cà Mau thống kê sơ bộ có khoảng 20% hộ dân nhận khoán đất rừng tự bỏ đi nơi khác vì làm ăn thất bại. Nhưng số hộ dân sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ nhiều hơn vì dòng người di dân tự do xuôi về đây. Họ đến với rừng theo mùa vụ khai thác ven biển. Họ tự cất nhà, cất chòi tạm để vào rừng chặt phá lấy cây rừng làm củi, hầm than. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương trục xuất họ trở về địa phương cũ như “bắt cóc bỏ dĩa”.
Đi dọc theo tuyến đên biển Tây từ Kiên Giang đến Cà Mau, diện tích rừng phòng hộ đã bị tàn phá để nuôi tôm. Dòng người dân cư tự do về đất rừng Phương Nam không thể bước tiếp ra biển, đành tạm dừng bước, trụ lại để sinh sống.
Anh Phạm Văn Cương, chị Nguyễn Thị Hiền quê Nam Định vào đê biển Tây từ năm 2000. Từ đó đến nay, vợ chồng anh chị đã dời nhà 5 lần. Hết mùa trồng rẫy, anh Cương làm mướn theo xuồng ghe đánh bắt ven bờ. Những ngày sóng to, gió lớn thì vô rừng chặt cây làm củi, hầm than.
Giữa năm 2008, cán bộ huyện Đầm Dơi (Cà Mau) phá hơn hơn 26 ha rừng phòng hộ xung yếu để nuôi tôm. Họ là chính quyền, kiểm lâm, quản lý rừng, bảo vệ đất rừng. Những người có quyền lập tờ trình, thẩm định, quyết định dự án xẻ rừng phòng hộ xung để nuôi tôm.
Những năm trước đây, Lâm ngư trường Sào Lưới (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Sào Lưới) ở huyện Phú Tân (Cà Mau) cho xáng dây đào kênh mương, đắp đê, khoán đất rừng cho dân nuôi tôm. Hơn 23 ha rừng mắm chết đứng, vậy mà cán bộ quản lý không hay biết(!) Nhưng sau đó, Sở NN- PTNT Cà Mau cho trồng lại rừng, khai thông đường nước, xóa “trũng nước treo” làm ngập rể thở cây mắm.
Các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu qui hoạch lại diện tích rừng đều có xu hướng bóp rừng phòng hộ ven biển. Bởi lẽ, rừng phòng hộ được qui hoạch thành rừng sản xuất thì người dân nhân khoán đất rừng mạnh tay tác động hơn, mở rộng diện tích sản xuất tôm. Hiện trạng rừng phòng hộ các tỉnh có chiều dày khoảng 1.000 m, chỗ mỏng nhất là trơ trơ đê biển trước sóng gió. Hầu hết các cửa sông ăn thông ra biển đều bị sạt lở nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Diện tích rừng ngập nước ven biển các tỉnh Tây Nam bộ (Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã được đầu tư khôi phục nhưng xem ra không hiệu quả do tập quán sinh sống người dân trong lâm phần. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Chúng tôi xử lý những sai sót và cho cho kiểm tra toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn Cà Mau để làm cơ sở quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng”.
Trồng cây gây rừng, lấn biển
Rừng phòng hộ bãi bồi Mũi Cà Mau |
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang với tổng mức đầu tư lên đến 19.481 tỷ đồng. Vốn đầu tư cho tuyến đê biển Tây Nam bộ chiếm tỷ trọng khá lớn nhằm đầu tư xây dựng tuyến đê bảo vệ dân cư và sản xuất. Ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau phấn khởi: “Có vốn đầu tư, chúng tôi đang lập dự án để triển khai. Trước mắt, chúng tôi đề xuất khôi phục rừng phòng hộ, trồng cây gây rừng lấn biển để bảo vệ tuyến đê đã xây dựng cũng như tuyến đê sắp xây dựng”.
Đặc điểm lập địa vùng ven biển Tây Nam bộ, các dự án hướng vào việc trồng cây, đắp đất khép kín. Ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau khẳng định: “Dãy rừng phòng hộ bảo vệ rất tốt các tuyến đê biển. Những năm qua, các điểm trồng cây thử nghiệm tại Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) phát triển rất tốt, ngăn chặn xói lở. Chúng tôi đang triển khai xây dựng bờ kè tại các cửa biển. Nhưng việc trồng cây gây rừng là giải pháp lâu dài bảo vệ đê biển, bảo vệ dân cư và sản xuất”.
Ở xã Vĩnh Hải (huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có mô hình mẫu về đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên ven biển với sự tham gia tích cực của cả chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn và cộng đồng dân cư. Rừng ngập mặn nơi đây được phân thành 4 khu để quản lý, gồm khu rừng phòng hộ (nhằm bảo vệ nơi trú ngụ, sinh sản tự nhiên của các loài thủy sản, duy trì tính đa dạng của hệ sinh thái rừng ngập mặn), phân khu phục hồi bên trong (nơi có mật độ thưa, đang được trồng bổ sung để ngăn cản sóng và làm nơi trú ẩn của sinh vật biển), khu phục hồi bên ngoài rừng (rừng mới trồng, nhằm giúp tằng bề rộng đai rừng, để ngăn cản sóng biển và che chở cho các loài sinh vật biển) và khu sử dụng bền vững (là phần đai rừng bên trong, nơi có nhiều cây rừng đã phát triển rậm rạp, có thể cung cấp tài nguyên cho con người, nếu được sử dụng bền vững).
Ông Thạch Soal, Trưởng nhóm đồng quản lý ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết, ấp có 778 hộ, ban đầu có 240 hộ tham gia, sau chưa đầy một năm hoạt động, nay nâng lên 274 hộ. Khi tham gia nhóm, các gia đình gắn trách nhiệm của mình hơn với công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhưng đồng thời cũng được hưởng lợi bằng cách thu hoạch dưới tán rừng. Nhóm có quy chế cụ thể, mùa vụ nào thì được bắt những con gì.
Nếu như những năm trước đây, rừng phòng hộ ấp Âu Thọ B không phát triển, bị chặt phá, bờ biển bị xói lở thì nay rừng lấn biển, trở thành tấm áo chắn vững vàng bảo vệ tuyến đê bên trong, dù vẫn còn là đê đất.
TS. Phạm Thế Dũng, Phân viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ, khẳng định: “Chú trọng quản lý, duy trì, phát triển hệ thống rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, đặc biệt là rừng ngập mặn có tác dụng tiêu lực sóng biển, giảm bão lũ”.
Việc nước biển tràn vô vùng dân cư, xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu và những dấu hiệu bất thường về khí hậu cho thấy đã đến lúc cần khôi phục hệ thống rừng phòng hộ ven biển. Áo giáp xanh sẽ bảo vệ tuyến đê biển, bảo vệ con người và vùng đất ĐBSCL.
Theo Quyết định 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quãng Ngãi đến Kiên Giang có tổng vốn 19.481 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2009- 2020. Mục đích chương trình phòng tránh những tác động bất lợi từ biển, bảo vệ dân sinh và phát triển kênh tế- xã hội bền vững các địa phương ven biển. |
Đồng bằng sông Cửu Long: Người nghèo treo trong nắng gió (Kì 1)
Đồng bằng sông Cửu Long: Người nghèo treo trong nắng gió (Kì 2)
Đồng bằng sông Cửu Long: Người nghèo treo trong nắng gió (Kì 3)