Tăng cường quản lý rừng giáp ranh

ThienNhien.Net – Khu rừng giáp ranh giữa 3 tỉnh Bắc Kạn – Thái Nguyên – Lạng Sơn trong nhiều năm qua luôn là điểm nóng của tình trạng phá rừng, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng các tỉnh trong việc kiểm soát và bảo vệ. Mới đây, ngày 1/7/2010, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức hội thảo bàn giải pháp tăng cường bảo vệ khu vực này.


Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 2/7/2010 dẫn báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách bảo vệ rừng cho biết, tại khu vực giáp ranh 3 tỉnh đã diễn ra tình trạng phá rừng trái phép dưới hình thức khai thác gỗ nghiến. Các hành vi chống đối kiểm lâm, rồi tổ chức buôn lậu gỗ qua biên giới của lâm tặc diễn ra liều lĩnh, phức tạp.

Kiểm tra sơ bộ tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm cây gỗ nghiến đường kính rộng hàng mét bị lâm tặc cắt xẻ làm thớt, nằm ngổn ngang trong rừng.

Ý kiến đại diện chính quyền 3 địa phương cho rằng, do nhu cầu gỗ nghiến ở bên kia biên giới (Trung Quốc) là rất lớn, và do chính sách giao khoán bảo vệ rừng với mức 100.000 đồng/ha/năm như hiện nay của Nhà nước là chưa đủ để tạo động lực khiến người dân gắn việc bảo vệ rừng với trách nhiệm của mình.

Vai trò quản lý của các cơ quan chức năng cũng được một số địa phương thẳng thắn nhìn nhận, như tỉnh Bắc Kạn, ông Hoàng Ngọc Đường – Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Gần đây, khi nâng cấp tuyến QL 279 thì lâm tặc rầm rộ phá rừng Kim Hỷ (và một phần rừng ở Vườn Quốc gia Ba Bể), nguyên nhân là do Ban quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

Tỉnh Bắc Kạn có hơn 40.000ha rừng nghiến, trong đó 3.200ha là rừng gỗ nghiến thuần loại. Do sự phá hoại của lâm tặc, nên hiện tại có 2.700m3 gỗ các loại đã bị lâm tặc chặt hạ trong rừng vẫn chưa có cách vận chuyển ra ngoài và xử lý hợp lý để tránh sự lãng phí tài nguyên.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hứa Đức Nhị cho biết: Vùng giáp danh 3 tỉnh Bắc Kạn – Thái Nguyên – Lạng Sơn là nơi còn nhiều cây gỗ quý đòi hỏi phải siết chặt việc quản lý bảo vệ. Để quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả, cần đẩy mạnh vận động nhân dân không khai thác trái phép, không tiếp tay cho lâm tặc, đồng thời kết hợp với việc chính quyền nâng cao mức khoán rừng, giải quyết đất canh tác cho hộ nghèo – đây là giải pháp tận gốc để nhân dân chấm dứt vào rừng khai thác gỗ.