Loài ngoại lai đe doạ các loài chim

ThienNhien.Net – Bản cập nhật mới nhất Danh sách đỏ thế giới IUCN 2010 về các loài chim cho thấy các nỗ lực bảo tồn đang phát huy tác dụng. Song, việc con người can thiệp thô bạo lên các vùng đất ngập nước và đưa vào hệ sinh thái những loài ngoại lai được cảnh báo sẽ vẫn tiếp tục đe doạ các loài chim.

Loài sẻ đồng (Pyrrhula murina) sinh sống tại đảo São Miguel của Bồ Đào Nha  là một trong những loài may mắn thoát nguy cơ tuyệt chủng nhờ việc người ta đã khôi phục thảm thực vật và sinh thái hòn đảo nơi chúng trú ngụ. Cấp độ đe dọa của chúng trong bản Danh sách đỏ thế giới đã giảm đi một bậc, từ “Nguy cấp” xuống thành “có nguy cơ tuyệt chủng”. Loài vẹt tai vàng (Ognorhynchus icterotis) ở Colombia cũng có được may mắn tương tự.

 

Rút bài học từ những thành công này, Andy Symes, Cán bộ chương trịnh bảo tồn loài của Tổ chức bảo tồn chim thế giới (Birdlife) nhận xét “Chúng ta đã có sẵn kiến thức cũng như ý chí bảo tồn, nhưng bên cạnh đó, cam kết thực hiện và vấn đề tài trợ cũng là những yếu tố cực kỳ quan trọng”.

 

Việc theo dõi sự biến động của các loài chim có ý nghĩa lớn đối với quá trình giám sát đa dạng sinh học trên toàn cầu. TS. Stuart Butchart, Giám đốc điều phối Chương trình nghiên cứu toàn cầu và các loài chỉ thị của Birdlife tâm sự “Năm nay là năm quốc tế về đa dạng sinh học, các chính trị gia đã thất bại đối với mục tiêu phục hồi đa dạng sinh học do chính họ đề ra. Không lẽ nào chúng ta dẫm vào vết xe đổ ấy”.

 

Mặc dù vậy, bên cạnh những thành tựu, giới bảo tồn cũng đã phải ghi nhận sự sa sút  và thậm chí biến mất của một số loài chim. Loài rẽ lớn ngực đốm (Calidris tenuirostris) và  rẽ mỏ cong hông nâu (Numenius madagascariensis) – cả hai loài có ở Việt Nam – quần thể đều giảm mạnh do ô nhiễm các vùng đất ngập nước ven biển và khô hạn.

 

Chim lặn Alaotra Grebe (Tachybaptus rufolavatus), loài chim trước đây vốn chỉ sống tại hồ Alaotra phía Đông Madagascar, đã nhanh chóng kiệt quệ khi con người thả vào hồ loài cá ăn thịt. Lưới câu của các ngư dân đã làm cạn nốt quần thể ít ỏi còn lại.

 

Đây là một ví dụ điển hình cho thấy hậu quả không thể lường trước từ những hoạt động can thiệp, khai thác của con người đối với tự nhiên. Các nhà bảo tồn cảnh báo việc cho du nhập những loài xa lạ, như đã xảy ra với chim lặn Alaotra Grebe, đang trở thành mối đe doạ lớn đối với các loài chim và nhiều loài sinh vật bản địa.