ThienNhien.Net – Là địa phương có sự đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động vật hoang dã nhất là các loài chim, tỉnh Ninh Bình vừa ban hành quy định về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Ninh Bình – vùng đất lành của các động vật hoang dã
Ninh Bình là tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Với 3 vùng sinh thái đặc trưng gồm đồi núi, đồng bằng trũng chua phèn xen kẽ đá vôi, đồng bằng ven sông Đáy và vùng ven biển, Ninh Bình trở thành mảnh đất lành cho các loài động thực vật sinh sống và phát triển, trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Qua điều tra, khảo sát, các nhà khoa học cho biết, tại khu đất Vân Long (Ninh Bình) có tới 72 loài thuộc 33 họ, trong đó có 14 loài chim và luôn có khoảng 250 con cò bợ, cò ruồi, cò trắng thường xuyên sinh sống kiếm ăn ở bãi sình lầy, ruộng lúa. Vùng đất này là nơi cư trú lý tưởng của nhiều loài chim trên cạn, dưới nước; là nơi trú ngụ qua đông của các loài chim di cư. Đặc biệt, vùng đất ngập nước còn tồn tại nhiều loài cà cuống thuộc họ chân bơi được ghi trong Sách đỏ Việt Nam….
Ngoài ra, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như: Vườn quốc gia Cúc Phương, khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư, vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn cũng đã trở thành nơi cư trú, di trú của nhiều loài động vật quý hiếm.
Tăng cường biện pháp bảo vệ
Để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học đặc biệt là các loài chim hoang dã quý hiếm, UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành quy định về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã.
Theo đó, tỉnh nghiêm cấm các hành vi săn bắn, bẫy, bắt lưới dưới bất kỳ hình thức nào khi không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; nghiêm cấm kinh doanh, mua, bán, vận chuyển các loài chim hoang dã (còn sống hoặc đã chết) và bộ phận cơ thể của chúng mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp; nghiêm cấm quảng cáo, tàng trữ, giết mổ, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ chim hoang dã bất hợp pháp hoặc chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Đồng thời, tỉnh cũng nghiêm cấm nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng các loài chim hoang dã khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và đặc biệt là cấm các hoạt động làm hủy hoại môi trường sống hoặc các hoạt động khác có tác động xấu ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học và tính bền vững của vùng bảo vệ sinh cảnh, hoặc làm thay đổi tập tính sinh sống tự nhiện của các loài chim hoang dã.
Tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng các loài chim hoang dã phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Được biết, hiện nay toàn tỉnh có 265 hộ gia đình được cấp giấy phép nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã quý hiếm và động vật hoang dã thông thường (nhím, cá sấu, gấu, rắn hổ mang thường). Bên cạnh đó, do điều kiện địa hình có biển nên tại Ninh Bình còn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với các loài chủ yếu là tôm, mực và các loài cá biển.