ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu mới, rất nhiều loài động vật tiền sử đã tiến hóa, phát triển kích cỡ các bộ phận cơ thể như một cách “trau chuốt” bản thân để thu hút bạn tình và cạnh tranh giới.
Chức năng của những chiếc mào và vây lưng đã tiến hóa tới cỡ rất lớn được tìm thấy ở nhiều động vật hóa thạch từ lâu đã trở thành đề tài tranh luận trong giới khoa học.
Một số nhà khoa học cho rằng những chiếc vây lưng này giúp động vật điều chỉnh thân nhiệt, còn mào giúp loài bò sát bay “lái” hướng.
Nhưng công trình nghiên cứu mới công bố trên tạp trí American Naturalist của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế lại cho biết sự “quá cỡ” của những bộ phận này chỉ nhằm cạnh tranh giới tính.
Một trong những động vật tiền sử được nghiên cứu là loài thằn lằn bay – một loài bò sát đã tuyệt chủng ở thời khủng long. Nghiên cứu cho biết kích cỡ mào của loài này so với cơ thể là quá lớn đối với chức năng kiểm soát thân nhiệt hay điều chỉnh bay.
|
Loài thằn lằn bay mang một chiếc mào lớn trên đầu (Ảnh: Bbc.co.uk) |
Các nhà khoa học cũng nghiên cứu các sinh vật gần gũi với động vật có vú mang tên Eupelycosaurs, tồn tại trước thời kỳ khủng long. Nhóm động vật này, bao gồm cả Dimetrodon và Edaphosaurus, mang chiếc vây rất lớn dọc sống lưng trông tựa một cánh buồm.
Tiến sĩ Stuart Humphries từ Đại học Hull (Anh) cho biết: “Một trong ít thứ không thay đổi qua 300 triệu năm qua là các quy luật vật lý. Chính vì vậy, thật phù hợp khi vận dụng các quy luật này để tìm hiểu điều gì thực sự đã dẫn đến sự tiến hóa của những chiếc mào và vây lưng lớn như vậy.”
Theo đó, bằng cách sử dụng mối liên hệ đã biết giữa kích thước cơ thể và hoạt động trao đổi chất ở các sinh vật sống, các nhà khoa học đã kết luật rằng các bộ phận này là quá lớn so với vai trò kiểm soát thân nhiệt cơ thể.
Tiến sĩ Tompins thuộc Đại học Đông Úc lại cho rằng, vây lưng của Eupelycosaurs là một trong những ví dụ được biết đến sớm nhất về đặc điểm tình dục thứ cấp được phát triển tới kích thước lớn trong lịch sử tiến hóa của động vật có xương sống. Và vây lưng của loài Dimetrodon là một trong những đặc điểm tình dục thứ cấp lớn nhất trong mọi loài động vật.
Tiến sĩ Dave Martill thuộc Đại học Portsmouth (Anh) nhận xét: “Trong việc thu hút bạn tình, thằn lằn bay thậm chí còn “công phu” hơn cả loài công, loài có bộ cánh được coi là một tiến hóa kỳ công nhất của chọn lọc giới ngày nay. Bởi lẽ, loài công mỗi năm đều rụng lông vì thế bộ cánh chỉ là gánh nặng với chúng trong một thời gian ngắn, còn loài thằn lằn bay thì phải mang chiếc mào lớn quanh năm suốt tháng”.
Công trình của nhóm nghiên cứu đặt giả thiết rằng con đực Pteranodon còn “khẳng định đẳng cấp phái mạnh” với đối thủ bằng cách dùng mào đấu nhau, tương tự như cách mà động vật có sừng và gạc vẫn thường làm. Thêm nữa, cũng có khả năng con cái đánh giá con đực dựa vào kích thước của chiếc mào, cũng như cách công cái đánh giá sự phô diễn bộ cánh của công đực vậy.
Cuối cùng, Tiến sĩ Humphries khẳng định, mặc dù việc thu nhiệt và tỏa nhiệt cũng rất quan trọng ở những loài động vật tiền sử này nhưng: “Chúng tôi có thể chứng minh rằng các loài động vật này dường như đã sử dụng mào và vây lưng của chúng chủ yếu để thu hút bạn tình hoặc cạnh tranh giới”.