Xây dựng 25 kịch bản về sóng thần, động đất

ThienNhien.Net – Sáng 29/06, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện quy chế báo tin và phòng chống động đất, cảnh báo sóng thần và Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần tại Việt Nam, với sự tham gia của Ban Chỉ đạo thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.


Động đất, sóng thần là những thảm họa thiên tai đã và đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, rất nhiều trong số đó là những thảm họa tàn phá môi trường thiên nhiên, công trình, nhà cửa và cướp đi sinh mạng của hàng vạn người.

Để chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là đối với các loại hình thiên tai có sức tàn phá lớn như động đất, sóng thần, ngày 16/11/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần.

Theo Quy chế, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là cơ quan duy nhất trong cả nước thực hiện nhiệm vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần. Khi có động đất xảy ra, tin thông báo sẽ được gửi tới các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan hữu quan.

Để tin báo được nhanh chóng và chính xác, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (thuộc Viện Vật lý Địa cầu) đã sử dụng hệ thống máy tính và các thiết bị hiện đại để thu nhận, xử lý số liệu từ trạm động đất và hải văn quốc gia, kết nối tin với các hệ thống quan trắc và cảnh báo quốc tế, khu vực để đưa ra thông báo ngay sau khi động đất xảy ra 10 đến 15 phút.

Trung tâm còn sử dụng hệ thống các kịch bản sóng thần được xây dựng trên cơ sở mô hình hoá các trận động đất gây sóng thần khác nhau có thể xảy ra trên vùng biển Đông và các vùng biển khác gần Việt Nam.

Đã xác định được các vùng có nguy cơ cao xảy ra động đất

Hiện nay, Viện Vật lý Địa cầu đã triển khai thực hiện phân vùng các khu vực xảy ra động đất; triển khai Đề án xây dựng các kịch bản về nguy cơ xảy ra sóng thần ở Việt Nam, phân vùng các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sóng thần và các định độ cao sóng thần có thể đạt tới ở các vùng ven biển Việt Nam, thời gian xảy ra sóng thần sớm nhất kể từ khi xảy ra động đất… nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo phòng, tránh.

Đối với động đất đã xác định được các vùng có nguy cơ cao xảy ra động đất bao gồm vùng núi phía Tây Bắc – Bắc bộ, vùng thung lũng sông Cả thuộc Nghệ An và vùng biển ngoài khơi khu vực Nam Trung bộ. Đối với sóng thần, hiện đã xây dựng được 25 kịch bản về sóng thần có khả năng xảy ra ở Việt Nam và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào ứng dụng tại các tỉnh ven biển. Tuy nhiên, việc phân vùng này vẫn còn chưa được chi tiết và chưa phổ biến tới địa phương.

Triển khai các giải pháp phòng, tránh ở Việt Nam

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt chương trình đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và chương trình đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, trong đó bao gồm cả quy định về dải cây chống sóng ven biển, nhằm mục đích phòng chống nước biển dâng do bão, kết hợp với phòng chống sóng thần.

Đến nay, Chương trình đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam đã củng cố, nâng cấp được 272 km đê biển, trồng được hàng ngàn ha cây chắn sóng với tổng kinh phí đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Cao Đức Phát khẳng định, nguy cơ xảy ra sóng thần ở nước ta hoàn toàn là hiện thực, nên tuyệt đối không được lơ là, chủ quan để tránh những hậu quả khôn lường. Do đó, công tác chỉ đạo, ứng phó phải được triển khai ngay.

Trong thời gian tới, đề nghị các ngành, địa phương cần tập trung hoàn thành việc phân vùng có nguy cơ cao xảy ra động đất, sóng thần; bổ sung các kịch bản sóng thần cho từng khu vực cụ thể; điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở tính toán đến yếu tố tác động của động đất, sóng thần để hạn chế thiệt hại và bảo đảm phát triển bền vững; hoàn chỉnh đề án thực hiện xây dựng hệ thống báo động trực canh ven biển cho các vùng có nguy cơ cao trình Chính phủ phê duyệt.

Việc xây dựng công trình trong vùng có nguy cơ động đất phải có giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn, đặc biệt đối với hồ chứa nước lớn, nhà máy hóa chất độc hại, nhà cao tầng và các công trình cơ sở hạ tầng khác. Cần lưu ý đường giao thông ven biển phải bố trí các đường ngang, vuông góc với bờ biển, bảo tồn các cồn cát ven biển, có quy hoạch, kế hoạch trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; xây dựng nâng cấp tuyến đê biển vững chắc đảm bảo phòng, chống bão và giảm tác động của sóng thần.

Các địa phương và các bộ, ngành liên quan phải xây dựng phương án phòng tránh, đảm bảo thông tin liên lạc; tổ chức sơ tán dân, phương án tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường và tổ chức diễn tập. Đồng thời, Ban Chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiếm thức của cộng đồng về động đất, sóng thần và các giải pháp phòng, tránh, đưa kiến thức cơ bản về phòng, tránh động đất và sóng thần vào chương trình giảng dạy của các cấp học.

Hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ động đất, sóng thần là một công cụ không thể thiếu trong công tác phòng tránh, ứng phó giảm nhẹ tác hại của động đất, sóng thần. Vì vậy, hệ thống này cần thông tin phục vụ báo tin cảnh báo sớm, ứng phó và phòng chống động đất, sóng thần cho phù hợp.