Ưu tiên chống hạn tại miền Trung – Tây Nguyên

ThienNhien.Net – Thời gian qua, hạn hán và nắng nóng gay gắt đã diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, ảnh hưởng lớn đến năng suất vụ mùa hè thu. Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cử 3 đoàn công tác đến miền Trung – Tây Nguyên nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác chống hạn, với ưu tiên trước mắt là phải cứu 100.000 ha lúa đã cấy.


Hạn hán có thể nghiêm trọng hơn

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, tổng lượng mưa cả nước trong tháng 6 chỉ bằng 40% so với mọi năm, riêng Trung Bộ chỉ bằng 10 – 20%. Trong tháng 7, dự báo hạn hán có thể nghiêm trọng hơn bởi hình thế tạo bão, áp thấp nhiệt đới – tác nhân gây mưa trong đất liền vẫn chưa thấy xuất hiện ở biển Đông và dự báo lượng mưa vẫn thiếu hụt khoảng 20 – 30%.

Vụ hè thu năm 2010, Nghệ An đã gieo trồng 55.000 ha lúa, theo thống kê đến hết ngày 28/06, có trên 23.000 ha lúa thiếu nước trầm trọng. Hiện chưa có nguồn nước để ứng cứu kịp thời chống hạn và 3.000 ha lúa đã bị cháy, không có khả năng phục hồi.

Tại huyện Nghi Lộc, trong số 2.500 ha diện tích lúa hè thu vừa gieo cấy, có tới 1.500 ha đã chết và cháy do nắng nóng và thiếu nước. Theo phản ánh của người dân Nghi Lộc, thời tiết nắng nóng oi bức kéo dài dẫn đến hạn hán quá nặng, không có nước, kể cả nước sông cũng bị nhiễm mặn, nên gặp rất nhiều khó khăn trong trồng trọt.

Vì vậy, công tác chống hạn đang được các địa phương và người dân triển khai quyết liệt trên cơ sở huy động tối đa nguồn lực có sẵn như con người, máy móc để nạo vét hệ thống kênh mương, hồ đập. Hiện nay, Nghệ An đã chi 4,5 tỷ đồng cho các địa phương, các công ty thủy lợi ở vùng đồng bằng, núi thấp để thực hiện việc chống hạn cứu lúa.

Tỉnh cũng đầu tư 3,8 tỷ đồng nạo vét kênh mương, đưa nước, ép nước về hạ Đô Lương bơm cứu lúa. Những vùng không thể có nước bây giờ, khi có mưa không kịp thời vụ để trồng lúa thì thực hiện chuyển đổi hoa màu trên nguyên tắc không để nông dân bỏ hoang ruộng.

Không chỉ tại Nghệ An, hầu hết các tỉnh duyên hải miền Trung như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị… đều lâm vào tình cảnh khô hạn. Tại Hà Tĩnh, đã có hơn 14.000 ha lúa bị hạn và sẽ hoàn toàn chết khô nếu tháng 7 tới trời không mưa.

Nắng nóng kéo dài cũng đã làm cho các sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ (thuộc tỉnh Quảng Ngãi) khô cạn. Ngay từ đầu vụ hè thu, nông dân trong tỉnh đã phải đối mặt với khô hạn do mực nước ở các hồ, đập xuống thấp hơn một nửa so với trung bình mọi năm. Do không có nước tưới, tiến độ gieo sạ không bảo đảm theo lịch thời vụ. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã phải “chữa cháy” bằng cách cho lùi lịch thời vụ lại 10 ngày.

Ưu tiên chống hạn

Trước tình hình hạn hán đang diễn ra nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cử 3 đoàn công tác đến Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ nhằm cùng với các địa phương tháo gỡ khó khăn cho công tác chống hạn.

Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Trí Ngọc cho biết, hiện nay có khoảng 100.000 ha lúa bị hạn nặng, trong đó có 30.000 ha bị hạn rất nặng. Nếu tình hình thời tiết từ nay đến 05/07 không có mưa và không được cải thiện về nguồn cung cấp nước tưới thì chắc chắn 70.000 ha lúa sẽ chuyển thành diện tích bỏ hoang và tất cả 100.000 ha lúa sẽ bị hạn rất nặng.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, ưu tiên trước mắt là phải cứu 100.000 ha lúa đã cấy nói trên để cho lúa sinh trưởng và phát triển bình thường. Vì những chân ruộng cấy sớm thì lúa đang đẻ nhánh, thậm chí có những nơi lúa đã làm đòng.

Tiếp theo là chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để sẵn sàng gieo cấy hết diện tích chuyển từ lúa hè thu sang lúa mùa bằng cơ cấu giống ngắn ngày. Hiện nay, đang có bộ giống lúa thuần ngắn ngày vừa cho năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như chống chịu một số điều kiện ngoại cảnh tốt như Khang Dân, Đồng Tiến, HT1, Nghệ An1.

Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc cũng cho biết, tại đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng hiện nay lúa hè thu, lúa mùa đang sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời vụ đông xuân vừa qua được mùa nên khả năng ảnh hưởng của đợt hạn hán này đến năng suất thu hoạch lúa trên toàn quốc sẽ không nhiều. Tuy nhiên, vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt ở những vùng núi cao, vùng còn nghèo và gặp nhiều khó khăn sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt khô hạn này.

Dự kiến, ngày 01/07, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có cuộc họp khẩn để thống kê mức thiệt hại ban đầu, cũng như tình hình nắng nóng, hạn hán thực tế và đề xuất giải pháp khắc phục.