PES và REDD trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Trong những thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu đã được nhận thức là một trong những vấn đề toàn cầu mà con người phải đối mặt. Nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm ứng phó với mối đe dọa hiện hữu này. Và với lý giải rằng, một trong những nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu là nạn phá rừng và suy thoái rừng, sáng kiến áp dụng PES – Chi trả dịch vụ môi trường và REDD – Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển, đang được chú ý hơn bao giờ hết. Bài viết dưới đây cung cấp cho độc giả các điểm cơ bản về sự tương đồng, khác biệt giữa PES và REDD cũng như cách thức chúng vận hành và lồng ghép với nhau trong nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu.


Nguyên tắc chung của PES và REDD

PES và REDD đều hướng tới bảo vệ rừng dựa trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích kinh tế giữa các bên hưởng lợi và các bên sở hữu rừng. Theo đó, các chủ sở hữu rừng sẽ nhận được tiền chi trả từ bên hưởng lợi nhờ rừng như một sự khuyến khích bảo vệ và trồng rừng.

Nguyên tắc này tương tự như nguyên tắc thị trường trong trao đổi thương mại. Tuy nhiên, các đối tượng “mua” và “bán” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng hơn; do đó cơ chế vận hành cũng trở nên phức tạp hơn. Đối tượng “bán” là các chủ sở hữu rừng, đối tượng “mua” có thể là các cơ sở sản xuất công nghiệp, cung cấp nước sạch, dịch vụ du lịch… Các đối tượng này có thể thuộc nhiều quy mô khác nhau: vùng, quốc gia, địa phương, các công ty và các chủ sở hữu cá nhân.

Bản chất của REDD và PES:

PES viết tắt cho cụm từ “Payment for Environmental Service” nghĩa là Chi trả dịch vụ môi trường. Sáng kiến này hiện nay chủ yếu được áp dụng tại Mỹ và một số nước châu Á. Tại Việt Nam, năm 2010, Dự thảo Nghị định chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được đệ trình lên chính phủ. Theo nghị định này, các cơ sở sản xuất thủy điện, cung cấp nước sạch, dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản… phải chi trả dịch vụ môi trường cho các chủ rừng (là các tổ chức hoặc cá nhân). Hiện tại, có 2 dự án PES đang được triển khai thí điểm tại Lâm Đồng và Sơn La.

REDD viết tắt cho cụm từ “Reducing Emission from Deforestation and Forest Degradation in Developing countries”, nghĩa là giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển. Cơ chế này đã được đề xuất trong bối cảnh suy thoái rừng ở các nước đang phát triển đóng góp một tỷ lệ khá lớn vào tổng lượng phát thải CO2 trên toàn cầu. Theo cơ chế của REDD, các nước phát triển có trách nhiệm chi trả tài chính cho các nước đang phát triển trong việc bảo vệ rừng tự nhiên. Bù lại, các nước nhận được khoản chi trả phải thực hiện các chương trình, chính sách nhằm ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng. Cơ chế vận hành cụ thể của REDD hiện vẫn đang được thảo luận và dự kiến sẽ được kết luận tại Hội nghị Liên hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 16 – COP 16 tại Mexico.

Điểm khác biệt giữa PES và REDD

Tuy cùng dựa trên một nguyên tắc, giữa REDD và PES cũng tồn tại những điểm khác biệt.

Đối với PES, việc “mua-bán” chủ yếu được thực hiện giữa các chủ sở hữu và các bên hưởng lợi trong phạm vi quốc gia. Phương pháp định lượng giá trị của dịch vụ môi trường và mức độ chi trả tuân theo quy định luật pháp của mỗi quốc gia.

Ngược lại, việc giao dịch của REDD được thực hiện ở cấp quốc tế (trao đổi, mua bán giữa các nước phát triển và đang phát triển). Trị giá của giao dịch được tính toán dựa trên tổng lượng giảm phát thải các bon của mỗi quốc gia.

Trong trường hợp này, các chương trình quan trắc, mô hình và công cụ tính toán sẽ được áp dụng để tính tổng lượng giảm phát thải và tổng lượng tích trữ các bon cho toàn quốc gia.

Để tiếp tục nhận được tiền chi trả, chính phủ các nước đang phát triển phải duy trì thực hiện các giải pháp, chương trình phù hợp để bảo vệ rừng.

Phương pháp tính toán trị giá

PES: Theo Dự thảo Nghị định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường – Việt Nam, 2010, các cơ sở sản xuất điện trả 20 VNĐ/kWh, cơ sở cung cấp nước sạch trả 40 VNĐ/m3, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trả 1 – 2% doanh thu. Số tiền chi trả được đưa vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng; 90% tổng số tiền sẽ được cơ quan ủy thác chuyển đến các hộ dân, cộng đồng dân cư nhận khoán rừng. Số tiền mỗi hộ dân/ cộng động dân cư nhận được sẽ được tính toán dựa trên diện tích rừng và tình trạng của rừng.

REDD: Cơ chế chi trả cụ thể của REDD hiện vẫn chưa được kết luận. Tuy nhiên, phương pháp sau đã được Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu 2008 đề xuất nhằm phân bổ lợi ích tài chính cho các quốc gia thực thi REDD. Theo phương pháp này, số tiền quốc gia thực thi REDD được chi trả tại năm t được tính toán dựa trên nguyên tắc sau:
Nguồn thu = đơn giá giảm phát thải CO2 x (tổng phát thải nền – tổng phát thải năm t) 

PES có vai trò như thế nào trong việc thực thi REDD?

Như trên đã đề cập, PES và REDD cùng dựa trên nguyên tắc chung là chia sẻ lợi ích giữa các chủ sở hữu và các bên hưởng lợi. Do đó, kinh nghiệm áp dụng PES rất hữu ích trong việc thiết kế các chương trình nhằm thực thi REDD.

Ngoài ra, PES và REDD có thể kết nối với nhau ở 2 vấn đề.

Thứ nhất, chính phủ được chi trả REDD có trách nhiệm thực hiện các chương trình, sáng kiến nhằm hạn chế nạn phá rừng trong phạm vi quốc gia của họ. Khi đó, PES là một trong những công cụ giúp chính phủ đạt được các mục tiêu giảm phát thải do phá rừng và suy thoái rừng trong trong phạm vi quốc gia.

Thứ hai, REDD sẽ cung cấp khung pháp lý trong trường hợp có giao dịch mua bán dịch vụ môi trường giữa chủ sở hữu trong nước với đối tượng mua từ nước ngoài.

Là hai cơ chế dựa trên thị trường, PES và REDD kỳ vọng sẽ tạo ra được những đổi thay tích cực vừa giúp bảo vệ rừng, vừa góp phần hữu hiệu vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Chi trả dịch vụ môi trường và Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng cũng là đề tài thảo luận của Hội nghị Quốc tế Katooba Đông Nam Á XVII 2010 được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 23-24/06/2010. Hơn 400 đại biểu đến từ 30 quốc gia trên thế giới đã có mặt tại Hội nghị cùng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm liên quan tới thị trường cũng như những cơ hội triển khai PES tại Việt nam và các quốc gia Châu Á.