Mương lọc sinh học

ThienNhien.Net – Mương lọc sinh học (bioswale) là một kiểu cảnh quan thường được thiết kế ở các đô thị nhằm thu gom, vận chuyển, tiêu thoát nguồn nước bề mặt, đồng thời loại bỏ các chất bùn, cặn lắng và các chất gây ô nhiễm môi trường.


Mương lọc sinh học có độ dốc vừa phải, chỉ bằng 1 – 5 % độ dốc của các kênh mương bình thường và được bao phủ bởi các lớp cỏ cây, thảm thực vật hoặc phân hữu cơ. Dòng chảy của mương lọc sinh học được thiết kế khá nông và rộng, nhằm tối ưu hóa việc thẩm thấu nguồn nước bề mặt và làm giảm lượng cặn lắng cũng như các chất gây ô nhiễm từ nguồn nước tự nhiên như mưa, lũ…

Tùy theo địa hình cho phép mà một con mương sinh học có thể được thiết kế theo hướng thẳng, cong hoặc uốn khúc. Thường thì ở những vị trí không đi theo đường thẳng lại cho phép nước thẩm thấu lâu hơn, nhờ vậy khả năng giữ lại các chất gây ô nhiễm cũng nhiều hơn. Thêm vào đó, hình dáng cong cũng tạo nét thẩm mỹ và giúp cảnh quan trông tự nhiên hơn.

Theo một số kiến trúc sư, khi thiết kế một mương lọc sinh học, cần đặc biệt chú ý đến khả năng giữ nước của nó để ít nhất nó phải có đủ khả năng “khống chế” được các nguồn nước bề mặt trong thời gian từ 60 đến 120 giờ sau một trận bão.
 
Thêm nữa, trong bất cứ trường hợp nào, độ sâu dòng chảy cũng phải giữ ở mức nông vừa phải để tỷ lệ giữa diện tích mặt đất với dung tích nước luôn đạt cực đại, giúp tăng cường khả năng thẩm thấu và ngăn ngừa các chất gây ô nhiễm.

Dưới đáy của mỗi con mương sinh học cũng thường được thiết kế chứa nhiều đá và cát để tăng cường khả năng thấm hút. Đặc điểm này đặc biệt hữu ích đối với các trường hợp mương lọc sinh học nằm ở những vùng đất có khả năng thẩm thấu hạn chế như các bãi đỗ xe, lòng đường hoặc trên mái nhà…

Có thể nói, với khả năng giữ chất ỗ nhiễm, mương lọc sinh học đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái ở các sông hồ, giảm tác động ô nhiễm tới các loài cá và các loài thủy sinh khác. Đặc biệt, việc thiết kế loại mương này còn có thể làm giảm thiểu lượng khí các bon trong không khí bởi khả năng giữ lại các chất hữu cơ đã biến mương lọc thành một “kho” lưu trữ các bon.

Dù được biết đến ít nhất 4 thập kỷ qua, nhưng tính đến những năm 1990 vẫn chưa có nhiều mô hình mương lọc sinh học được thiết kế ở các đô thị. Một số mương lọc sinh học được thiết kế trên quy mô lớn đã được thấy tại miền Tây nước Mỹ vào năm 1996 tại vùng sông Williamette River Park của Portland, bang Oregon. Tại đây, có khoảng hơn 700m mương lọc sinh học được thiết kế xây dựng nhằm chặn các dòng chảy mang theo chất ô nhiễm trước khi đổ vào sông Williamette.