ThienNhien.Net – Chứng chỉ xanh cấp quốc gia sẽ được cấp đối với những vùng biển hội tụ đủ 3 tiêu chí lớn là khai thác hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và an toàn hệ sinh thái.
Hiện các hệ sinh thái biển tại Việt Nam đang bị suy thoái nhanh. Diện tích rừng ngập mặn giảm mạnh trong vòng 30 năm qua. Chất lượng nước biển suy giảm, nhiều vùng biển bị ô nhiễm nặng do các nguồn thải từ đất liền. Sự gia tăng các hoạt động phát triển kinh tế như dầu khí, hàng hải, du lịch, đặc biệt là nghề cá đã tác động lớn đến môi trường sinh thái biển.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Chu Hồi, cho biết, các vùng biển, hệ thống tài nguyên biển Việt Nam đang được khai thác, sử dụng chưa hợp lý, thiếu hiệu quả, gây ra các mâu thuẫn lợi ích. Muốn giữ tính bền vững của biển cần đảm bảo 3 mục tiêu: phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường.
Vì vậy, cần phải có công cụ quản lý ở cấp quốc gia để đánh giá mức độ tuân thủ và hiệu quả sử dụng các vùng biển. Cấp chứng chỉ xanh cho vùng biển là một ý tưởng để giải quyết vấn đề trên.
Tổng cục đang xúc tiến xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá, làm căn cứ cấp chứng chỉ xanh cho các vùng biển, song song với việc chuẩn bị cho cuộc thi sáng tác và lựa chọn logo cho “Thương hiệu biển Việt Nam”.
Chứng chỉ xanh cấp quốc gia sẽ được cấp đối với những vùng biển hội tụ đủ 3 tiêu chí lớn là khai thác hiệu quả; đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ tài nguyên môi trường và an toàn hệ sinh thái.
Chứng chỉ này chỉ được cấp trong thời hạn nhất định và sẽ bị thu hồi nếu cá nhân, đơn vị vi phạm các tiêu chí. Sau khi đánh giá kết quả và tác dụng của việc cấp chứng chỉ xanh và “Thương hiệu vùng địa lý” các vùng biển, Việt Nam sẽ đăng ký với tổ chức quốc tế để được xem xét công nhận.
“Công cụ quản lý tổng hợp này sẽ góp phần giải quyết được tình trạng khai thác bừa bãi tài nguyên biển, tiến tới quản lý biển tổng hợp và thống nhất theo không gian” – ông Nguyễn Chu Hồi nhận định.
Bên cạnh đó, những giải pháp lâu dài, bền vững để bảo tồn tài nguyên biển cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, giai đoạn 2010 – 2015 sẽ có 16 khu bảo tồn biển được quy hoạch và xây dựng trên các vùng biển, hải đảo của Việt Nam.
Một trong những giải pháp cơ bản cần được thực hiện là xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng dân cư tham gia đầu tư để thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển. Đồng thời, nghiên cứu chính sách để cộng đồng cư dân quản lý các khu bảo tồn biển được hưởng lợi từ dịch vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản.