Cốt lõi của tăng trưởng bền vững

ThienNhien.Net – Sáng 27/06, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 Toronto, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham gia phiên thảo luận “Khuôn khổ cho sự phát triển bền vững, cân bằng và vững mạnh” cùng với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tạo dựng một hệ thống tài chính lành mạnh là cốt lõi của tăng trưởng bền vững.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010 nêu rõ, các nước ASEAN đánh giá cao việc các nhà lãnh đạo G20 thông qua Khuôn khổ Tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng tại Hội nghị Cấp cao Pittsburgh (Hoa Kỳ) và ủng hộ các nội dung của Khuôn khổ này.

“Đặc biệt mục tiêu tập trung cao nhất các nỗ lực cho việc phục hồi mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và tạo dựng một hệ thống tài chính lành mạnh là cốt lõi của tăng trưởng bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Các nước ASEAN cho rằng cần thúc đẩy phục hồi đều khắp, ở mọi nhóm nước, kể cả các nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển, tạo thuận lợi hơn nữa cho phục hồi và tăng trưởng bền vững.

Các nước ASEAN cũng ủng hộ việc củng cố tài khóa trên cơ sở “thân thiện với tăng trưởng”, áp dụng có phân biệt, linh hoạt tùy theo hoàn cảnh mỗi nước, đảm bảo duy trì động lực phục hồi kinh tế, sự lành mạnh của hệ thống tài chính, đồng thời cần tránh tác động tiêu cực đối với tăng trưởng nói chung cũng như đến ODA và các dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển.

Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Hà Nội tháng 04/2010 đã ra Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững, khẳng định tiếp tục duy trì các biện pháp hỗ trợ tài chính-tiền tệ trong thời gian tới, đồng thời có kế hoạch đảm bảo sự phục hồi kinh tế vững chắc.

ASEAN cũng hoan nghênh G20 dành ưu tiên cao cho vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển, ủng hộ việc lập Nhóm công tác về phát triển và đưa chủ đề phát triển thành một mục quan trọng của Chương trình Nghị sự Cấp cao G20 tại Seoul.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các quyết sách của G20 không thể phát huy đầy đủ tác dụng nếu thiếu sự hưởng ứng tích cực của các nhóm nước khác.

Vì vậy, sự tăng cường phối hợp và hợp tác giữa G20 với các nhóm nước, trong đó có các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, có ý nghĩa quan trọng, giúp tăng sự tín nhiệm của G20, góp phần thu hẹp khác biệt về chính sách kinh tế giữa các nhóm nước, tạo thuận lợi giải quyết các mất cân đối toàn cầu. Trên tinh thần này, Thủ tướng mong muốn G20 tiếp tục tham vấn rộng rãi trong quá trình triển khai Khuôn khổ với các nước ngoài G20.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị thiết lập một cơ chế phối hợp chính sách chặt chẽ hơn giữa G20 và ASEAN, bắt đầu từ sự tham gia chủ động và tích cực của ASEAN vào quá trình ra chính sách của G20 (như khách mời) và tiếp theo là quá trình tiếp nhận, thích ứng hóa, hài hòa hóa các lựa chọn chính sách này với chính sách của ASEAN, cuối cùng là cơ chế phản hồi.

Cũng tại phiên họp này, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã thảo luận các nội dung như tạo khuôn khổ cho sự phát triển bền vững, cân bằng và vững mạnh; thúc đẩy tăng trưởng cân bằng thông qua kích cầu nội địa, giảm mất cân đối toàn cầu; xây dựng mô hình tăng trưởng mới bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; tiếp tục kích thích kinh tế. Tăng cường phối hợp, thường xuyên tham vấn chính sách kinh tế vĩ mô; thực hiện chính sách thận trọng nhằm ngăn ngừa các nguy cơ gây mất ổn định…