ThienNhien.Net – Những năm qua, rừng Tây Nguyên bị mất dưới nhiều hình thức khác nhau: thiên tai, hỏa hoạn, đốt nương làm rẫy và đặc biệt là nạn chặt phá, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép vốn diễn ra ngày càng tinh vi.
Tây Nguyên mất dần màu xanh
Với 5 tỉnh là Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai và Kon Tum, Tây Nguyên có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 5.600.000 ha; trong đó, diện tích rừng chiếm đến 3.140.000 ha.
Những năm gần đây, rừng Tây Nguyên bị giảm sút nghiêm trọng cả về diện tích và tính đa dạng sinh học. Những nguyên nhân chính khiến cho vốn rừng Tây Nguyên bị giảm sút là công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn những hạn chế nhất định; nạn xâm hại tài nguyên rừng vẫn tiếp tục diễn ra ngày một phức tạp, nạn phá rừng làm nương rẫy và khai thác lâm sản trái phép xảy ra ở mức độ nghiêm trọng.
Thêm vào đó, về mặt quản lý nhà nước, các chính sách về lâm nghiệp chưa thật đồng bộ khiến trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý bảo vệ rừng của người dân chưa được khuyến khích đúng mức. Chẳng hạn, chính sách giao đất giao rừng cho người dân chưa phát huy được mục tiêu ban đầu: rừng được giao khoán trông coi vẫn bị mất trong khi đời sống của người dân sống dựa vào rừng chưa được cải thiện là bao. Trong khi đó, đất rừng được giao trong nhiều trường hợp là rừng nghèo, khiến người dân vốn đã nghèo khó có đầu tư xứng đáng để hưởng lợi và phát triển lâm nghiệp. Mặt khác do nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên việc tuyên truyền để họ cùng góp sức bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn.
Nói về các nhân tố gây mất rừng, ông Nguyễn Thanh Cao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Kon Tum cho biết, nguyên nhân khiến diện tích rừng tự nhiên giảm dần chủ yếu là do con người. Nếu như rừng bị cháy do thiên tai, hỏa hoạn mất một thì con người tàn phá mất mười. Để dẫn chứng điều này, ông Cao đưa ra một thực tế là ở những nơi có dân số thấp thì mật độ che phủ của rừng cao và ngược lại, ở những nơi dân số đông thì diện tích rừng suy giảm nghiêm trọng, bởi đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đến nay vẫn còn canh tác bằng hình thức phát, đốt, chọc trỉa và đâu đó vẫn còn sống theo lối du canh, du cư.
Rừng mất vào tay lâm tặc
Theo báo cáo của chi cục kiểm lâm 5 tỉnh Tây Nguyên thì từ năm 2000 đến nay diện tích rừng đã bị giảm hơn 30%. Đây là một thực trạng đáng báo động từ nhiều năm nay. Mặc dù các cơ quan chức năng đã bắt và truy tố hơn 9000 vụ trong gần 10 năm qua, nhưng vì lợi nhuận, lâm tặc vẫn dùng mọi thủ đoạn để phá rừng.
Dọc theo quốc lộ 14 từ Đắk Nông đi Gia Lai có hàng trăm ha rừng thông bị tàn phá. Đặc biệt, những cánh rừng thông trên địa phận giáp ranh giữa huyện Ea H’Leo và Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk đang bị tàn phá công khai chỉ còn trơ lại gốc và ngổn ngang những cành thông bị đốt cháy nham nhở.
Tình trạng phá rừng này bắt đầu xảy ra từ năm 2004 đến nay, khi một số đồng bào dân tộc ít người từ phía Bắc di dân vào đây khai hoang lập nghiệp.
Chưa hết, chuyện phá rừng thông ven đường chỉ là cái vỏ bên ngoài, ở sâu trong những khu rừng quý ở Ea Hleo, Ea Súp, Ea Kar, Buôn Đôn, Ea Sô… của tỉnh Đắk Lắk chuyện mất rừng, mất gỗ quý như Thủy Tùng, Trắc, Thông đỏ… đang diễn ra từng ngày, từng giờ.
“Đây vẫn là cuộc chiến gay go giữa kiểm lâm với lâm tặc, vì những lúc kiểm lâm đi kiểm tra thì lâm tặc không chặt phá hoặc có phát hiện thì kiểm lâm bị chống cự quyết liệt. Và kể từ cuối năm 2008 đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 7 vụ lâm tặc chống lại kiểm lâm bằng dao, súng và những thứ vũ khí gây sát thương khác, trong đó có 5 kiểm lâm viên phải nhập viện để điều trị thương tích.” – Ông Nguyễn Viết Xuân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắc Lắc cho biết.
Không chỉ ở Đắk Lắk, ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, tình trạng buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép cũng diễn ra khá phức tạp. Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, trong 4 tháng đầu năm 2010 ngành chức năng phát hiện hơn 400 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, trong đó hành vi mua bán, vận chuyển cất giấu lâm sản trái phép chiếm 356 vụ, cơ quan chức năng đã tịch thu trên 700 m3 gỗ các loại…
Đầu tháng 4-2010, trong hội nghị đánh giá về công tác quản lý bảo vệ rừng quý I-2010 của tỉnh Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên đã phải thốt lên: “Tại sao gỗ lậu vẫn có thể “qua mặt” được các cơ quan chức năng?”
Mới đây nhất (ngày 8/4/2010), Kiểm lâm huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai kiểm tra việc trục vớt gỗ trong khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 ở vị trí tại tiểu khu 335 nằm trên trục lộ 664 từ UBND xã Ia O – Ia Grai đi vào Đồn biên phòng 717 đã phát hiện hơn 300 lóng gỗ tương đương gần 400 m3 gỗ, trong đó có hơn 100 lóng gỗ còn tươi, được xác định là bị đốn từ rừng tự nhiên.
Trong những ngày qua, tại tiểu khu 749 thuộc lâm phần do Công ty Đầu tư Phát triển Lâm – Nông – Công nghiệp và dịch vụ Sa Thầy quản lý, đoàn liên ngành tỉnh Kon Tum cũng phát hiện có 643m3 gỗ bị chặt hạ trái phép, hầu hết là gỗ thuộc nhóm I quí hiếm. Số gỗ này đang nằm rải rác trong rừng, chưa vận chuyển ra khỏi lâm phần.
Đồng bào cũng phá rừng
Theo thống kê của ngành kiểm lâm khu vực này, bình quân hàng năm diện tích rừng giảm khoảng hơn 200 ha do quá trình phát nương làm rẫy và mỗi năm xảy ra hơn 150 vụ cháy do sự bất cẩn của người dân khi mang lửa vào rừng như nấu nướng, hút thuốc, đốt rẫy…
Chỉ tính trong mùa khô 2008-2009, nhiều hộ dân của các xã như Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga, Đăk Trăm, Văn Lem (Kon Tum) vẫn cố tình vào rừng phát nương làm rẫy tại các tiểu khu (TK) 278, 282, 288, 289 và 290 gây thiệt hại trên 11ha diện tích rừng… Riêng xã Đăk Trăm đứng đầu về nạn phá rừng làm rẫy, 104 hộ vi phạm với diện tích rừng bị tàn phá 63.030m2. Ngày 13/2/2009, lâm trường đã lập biên bản 55 người vi phạm đến từ xã Đăk Trăm, với diện tích rừng bị thiệt hại 33.280m2.
Việc đốt nương làm rẫy của bà con không chỉ ảnh hưởng đến rừng tự nhiên mà còn gây ảnh hưởng lớn đến diện tích rừng công nghiệp của một số đơn vị trên địa bàn. Và mùa khô năm 2009-2010, địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 4 vụ cháy lớn tại Sa Thầy, Đắc Tô, Ngọc Hồi đã gây thiệt hại hơn 200 ha rừng trồng của công ty Inovgreen- Đài Loan và gần 100 ha rừng tự nhiên.
Như vậy, rừng ở Tây Nguyên đang tiếp tục thu hẹp qua mỗi mùa khô và những mùa nương rẫy. Cái điệp khúc “Cháy rừng, mất rừng và giảm diện tích rừng” sẽ mãi vang lên nếu như các cơ quan liên ngành không có các giải pháp hiệu quả trong việc quản lý và bảo vệ rừng.