ThienNhien.Net – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước nhiều thách thức lớn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nguy cơ ngập lụt do lũ, xâm nhập mặn… Để đảm bảo cho vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng này, việc quy hoạch xây dựng hệ thống thuỷ lợi nhằm phát triển bền vững ĐBSCL là rất cần thiết.
Hằng năm ĐBSCL cho thu hoạch 21 triệu tấn lúa, bằng 53% tổng sản lượng lúa cả nước, cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thuỷ sản, 60% sản lượng trái cây và 40% sản lượng mía.
Bên cạnh những ưu đãi của tự nhiên, ĐBSCL bị chia cắt bởi một hệ thống chằng chịt kênh rạch – những chi lưu của sông Mê Kông, lại chịu tác động thuỷ triều (thường vào sâu tới 100km) từ biển Đông và biển Tây (ở phía Kiên Giang và Cà Mau). Hơn thế, những mâu thuẫn từ việc khai thác nguồn nước, nguy cơ hạn hán, ngập lụt, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong điều kiện khu vực đã mất đi tính đa dạng sinh học vốn có… đang là những mối quan ngại cho vùng đất chín rồng này.
Trong khi đó, các kịch bản biến đổi khí hậu đều cho thấy khu vực ĐBSCL sẽ là nơi bị tác động nặng nề ở Việt
Các nhà khoa học cho biết, tuy ĐBSCL có nhiều kênh rạch song lại không có công trình phụ trợ nào để chủ động nguồn nước. Vì thế nếu xây đập ở 2 đầu các con kênh này thì cục diện sẽ khác. Bởi, khi kênh biến thành hồ thì không những giữ được nước ngọt đổ về từ thượng nguồn mà còn chủ động thoát nước khi có dấu hiệu lũ về. Có 4 phương án về xây dựng hệ thống thuỷ lợi ở ĐBSCL được các nhà khoa học đưa ra. Riêng từ nay đến năm 2020, sẽ hoàn chỉnh và nâng cấp đạt đến cao trình ứng phó nước biển dâng 15cm, hoàn chỉnh và nâng cao hệ thống đê sông Tiền, sông Hậu cùng với hệ thống cống kiểm soát nước mặn và cống kiểm soát lũ, tại vùng tả sông Tiền đến sông Vàm Cỏ Đông sẽ xây hệ thống thuỷ lợi bậc thang trữ nước lũ và làm chậm lũ…
Được biết, Bộ NN&PTNT đã ký văn bản ghi nhớ hợp tác xây dựng hệ thống thuỷ lợi tại ĐBSCL với Hà Lan. Dự kiến, vào khoảng tháng 9 – 10 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Hà Lan sẽ cùng với Chính phủ Hà Lan thông qua bản kế hoạch để sớm triển khai từ đầu năm 2011.