ThienNhien.Net – Những lão ngư ven biển Cà Mau bảo nước triều giờ dâng cao hơn trước. Nước ùn ngập xóm làng, vượt qua đê biển, đê sông, ngập bờ vuông. Nhưng người nghèo ở đây vẫn gắng bám trụ, sống tựa lưng vào rừng, quay mặt ra biển như thách thức thiên tai.
Chuyện “xóm Trôi”
Từ cửa biển thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) rẽ vô con kinh xáng cặp đê biển Tây, anh lái đò chỉ tay về phía biển: “Đây là Rạch Miễu mà người dân gọi là Xóm Trôi. Trời mưa giông, nước biển dâng cao ngập nhà cửa, cuốn theo heo, gà, vịt, xoong nồi…Con nít cũng trôi tuốt luốt vô rừng!”
Rạch Miễu dài vài trăm mét, từ đê Biển Tây ăn ra biển. Hai rạch có gần 30 nóc nhà bằng cây lá địa phương, chen chúc, thấp lè tè với chiếc xuồng máy giăng lưới, cắm câu, đặt lú ven biển. Anh Nguyễn Văn Giữ, Tổ trưởng tổ tự quản số 8, thị trấn Sông Đốc cho biết: “Rạch Miễu chỉ có vài hộ nhận khoán đất rừng phòng hộ nuôi tôm, hợp đồng bảo vệ rừng. Số còn lại, bà con Rạch Miễu làm nghề ven biển. Mùa nào có con gì bắt con nấy, miễn sao có ăn. Thu nhập bấp bênh, có đêm kiếm được bạc triệu nhưng nhiều khi cũng quay về tay không.”
Căn chòi cuối cùng ở Rạch Miễu của vợ chồng anh Nguyễn Văn Bằng lợp lá dừa nước lâu ngày đã rách bươm, tơi tả. Chị Mạnh – vợ anh Bằng – kể lại: “Hồi bão số 5 (năm 1997), vợ chồng tôi ôm gốc me sau nhà chịu trận. Ở sát mé biển, nước dâng, gió giông bất ngờ lắm. Mấy năm gần đây, biển hay trở chứng. Chiều chiều thấy trời chuyển mưa, mây đen kéo về là thế nào nước lớn cũng bị ngập nhà.”
Những người dân Rạch Miễu đã cảm nhận cái khốn đốn khi nước biển tràn vô, năm sau cao hơn năm trước. Vào khoảng tháng 10 âm lịch, nước lớn tràn vô ngập hết, phải trèo lên cao. Có đêm, nghe sóng vỗ, gió nổi lên, nước tràn vô nhà, đồ đạc trôi lều bều. Cả xóm ai nấy vọt ra khỏi nhà, chạy vô rừng leo lên cây. Ai kịp khép cửa, đồ đạc trôi lanh quanh trong nhà, còn.không thì thất lạc, hư hao hết!
Chuyện “trôi” ở Rạch Miễu thường như cơm bữa. Năm ngoái, cả xóm bị trôi. Bà Lê Thị Nga có một con heo nái, đẻ hơn chục con, sắp hốt bạc. Ai dè, nước dâng, bà Nga lo thu dọn mùng mền, chiếu gối vào bao, treo lên nóc nhà. Mải mê dọn đồ đạc trong nhà thì nước lên đến chuồng heo. Heo con lội lõm bõm, lú mỏ lên như cá kèo. Bà la làng, mọi người đến tiếp nhưng vẫn bị trôi mất bốn con.
Mải lo cứu bầy heo con, có tiếng người hàng xóm la thất thanh: “Bà Nga ơi, cháu nội của bà trôi rồi!”. Lúc này bà mới tá hỏa, rượt xuôi theo dòng nước tìm cháu. May mắn thay, hai đứa cháu nội của bà, Lê Thị Trúc Linh, 4 tuổi và Lê Tấn Lợi, 3 tuổi, bị nước đẩy tấp vào tấm vách nhà người hàng xóm. “Lo heo, chút nữa thì mất cháu nội!”– bà Nga vò đầu cháu nội, kể.
Năm 1997, bão số 5 quét qua bán đảo Cà Mau như một lời cảnh báo. Kể từ đó, Xóm Miễu thường bị nước tràn vô cuốn trôi đồ đạc nên gọi là Xóm Trôi. Anh Nguyễn Văn Bằng tự rút bài học cho mình: “Hễ thấy trời chuyển mưa, giông gió, nước nhảy mé là thủ sẵn đồ đạc, con nít. Nước nhảy mé là chạy vô rừng, leo lên cây mắm, chờ nước rút. Mất cảnh giác là mất mạng như chơi!”
Dân treo trước sóng gió
Đi dọc tuyến đê, ông Trần Văn Ngữ, ở ấp 7, xã Khánh Tiến (huyện U Minh, Cà Mau) chỉ tay về cửa biển Hương Mai đang hứng chịu từng đợt sóng biển Tây lùa ào ào: “Cách đây hơn 2 năm, vòi rồng cuốn phăng nhà dân ở cửa biển Hương Mai. Chiều hôm đó, trời âm u, sấm rầm, vòi rồng cuốn phăng mấy ngôi nhà trên đê, quăng vào rừng. Rất may, không làm ai bị thương tích, chỉ hư hao tài sản”.
Khu nhà dân cư ven biển Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây (Trần Văn Thời, Cà Mau) liên tục bị nước biển dâng cao, phải cơi nới nhà sàn. Bà Bao Thị Bửu, 81 tuổi, cho biết: “Tôi đến đây hơn 10 năm, để gần con cháu. Mấy năm đầu, nước biển không cao như bây giờ. Vài năm gần đây, tháng nào cũng bị nước biển dâng ngập nhà cửa, đồ đạc trôi tứ tung. Hễ nước lớn là ngập. Coi kìa, cháu ngoại tôi phải xây nhà cao hơn một thước mới chống được nước ngập được!”
Dòng người di dân về Phương Nam buộc phải dừng chân tại các cửa biển, cửa sông để kiếm sống. Ông Lê Văn Sua, 61 tuổi, ấp 12, xã Vĩnh Hậu A (Hòa Bình, Bạc Liêu) thì sống ven biển gần 40 năm trời. Ông Sua cho biết: “Mỗi năm thấy nước biển ngày một cao!”
Trong căn nhà lá tạm bợ ở chân đê biển Đông, nước biển dâng cao tràn ngập nền nhà, mọi người chạy lên đê tránh nước. Gia đình ông Sua sống bằng nghề mòn nghêu, bắt ốc, lấy củi rừng để đổi lấy miếng ăn. “Dù nguy hiểm nhưng dễ kiếm sống hơn khi vô đất liền, không đất, không nghề nghiệp, sẽ đói”- ông Sua an phận.
Ông Hồ Văn Long ngụ tại ấp 2, thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu), khu dân cư ven biển có trên 400 hộ sinh sống. Năm 1970, ông dựng căn nhà cách mé biển chừng 50 mét. Mỗi năm nước biển lấn vô một ít tới nền nhà. Ông Long bảo: “Người dân ở ven biển Gành Hào phập phồng ăn ngủ không yên, sợ lở đất, mất nhà”.
Khu dân cư nhà sàn nhô ra cửa biển thuộc khu vực 6, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) như thách thức với gió mưa. Trước đây, có một vài người cất vựa mua hải sản, cung cấp xăng dầu cho ngư dân khai thác biển. Dần dần, khu vực dân cư nương tựa vào nhau thành Xóm Đảo.
Ở đây, tàu khai thác biển chẳng cần vô đất liền cũng tấp vô bán tôm cá, mua xăng dầu, hàng hóa và kể cả nhậu… tươi mát. Ông Nguyễn Thanh Mừng, bán cà phê, tạp hóa ở Xóm Đảo cho biết: “Ở đây dễ làm ăn hơn vì ghe tàu ghé vô mua hàng. Cực nhất là có báo bão, phải chuyển đồ đạc vô trong bờ. Nhưng nếu vô ở hẳn trong bờ thì làm ăn không bằng ở đây”.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) nói về Xóm Đảo: “Cứ nghe tin dự báo bão là chúng tôi phải di dân vào trong đất liền. Trụ sở cơ quan, trường học phải mở cửa đón dân, rồi cấp phát mì tôm. Nhưng huy động bà con vô khu dân cư Xẻo Quao thì họ không chịu vì xa chỗ làm ăn. Có người nhận nền tái định cư rồi nhưng vẫn cất chòi ngoài đê để trông coi tàu bè, vá lưới, tiện ra biển”.
Nước ùn dang lên ngập nhà cửa, ruộng vườn, ao tôm của người dân Cà Mau |
Nước biển “năm sau cao hơn năm trước”
Vùng bán đảo Cà Mau có địa hình thấp so với mặt nước biển và chịu tác động của 2 chế độ thủy triều biển Đông và biển Tây. Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giám biển với 254 km bờ biển, 8.000 km sông rạch chằng chịt, ăn thông ra biển. Ông Nguyễn Long Oai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Cà Mau, nhận định: “Qua khảo sát thực tế nước biển dâng cao liên tục trong vòng 3 năm trở lại đây thì nguy cơ ngập trong thời gian tới sẽ từ 60.000 ha- 90.000 ha đất sản xuất, ở các huyện ven biển như U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Ngọc Hiển, Năm Căn của tỉnh Cà Mau.”
ở NN- PTNT Cà Mau thống kê, triều cường từ giữa tháng 10 đến tháng 11- 2007, nước biển tràn bờ có tổng chiều dài 309 km, làm thiệt hại 4.886 ha trồng lúa, nuôi cá, nuôi tôm, thiệt hại ước tính hơn 4 tỷ đồng. Triều cường năm 2008, nước biển tràn qua đê, làm thiệt hại 10.632 ha hoa màu, ruộng lúa, ao nuôi cá, vuông tôm, với tổng thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Năm 2009, triều cường tràn qua 583 km đê sông, làm thiệt hại 14.795 ha lúa trên đất nuôi tôm, vuông tôm, với tổng thiệt hại trên 15 tỷ đồng.
Quan sát một số tuyến đê sông của Cà Mau cao trình từ 1,2- 1,6m thì nước dâng cao là 1,5m, 1,6m và 1,8m ứng với các năm 2007, 2008 và 2009. Nước biển dâng làm ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và môi trường kinh tế xã hội của tỉnh Cà Mau và có chiều hướng nặng nề hơn, phức tạp.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, lo ngại: “Cần có hệ thống quan trắc và dự báo hiện tượng nước biển dâng. Những người dân ven biển cho rằng mực triều cường cao hơn vài tấc trong vòng 5 năm qua. Đó có phải là dấu hiệu biến đổi khí hậu, nước biển dâng cần phải có biện pháp đối phó.”
|