Viết về môi trường – nghề khó cầu an

ThienNhien.Net – Ở Việt Nam, khái niệm nhà báo môi trường còn khá mờ nhạt, bởi ít có phóng viên, nhà báo nào có điều kiện chuyên tâm và viết sâu về các vấn đề môi trường. Nhưng với báo chí quốc tế, đã có một thuật ngữ "environmental journalists" để nói riêng về những con người ấy. Nhiều nhà báo lựa chọn viết về môi trường có lẽ bởi tính nhân văn, sức ảnh hưởng rộng và chút gì đó hơi đặc biệt của nó, song như một bản báo cáo từng nhận định: "Ở nhiều quốc gia, các nhà báo môi trường đang căng mình đấu tranh trên một cuộc chiến mới – cuộc chiến giành lại lợi ích cho cả con người và tự nhiên, nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy hiểm cho chính họ."

 

Bất chấp rằng mục tiêu mà nhà báo môi trường mang đầy tính nhân văn, song không phải lúc nào họ cũng được người dân tại chỗ – thường là những người dân nghèo hưởng lợi từ chính các đối tượng tác động tới môi trường mà nhà báo muốn phản ánh – chào đón. Tại một làng nghề ở miền Nam Trung Quốc chuyên làm nghề tháo dỡ thủ công các thiết bị điện tử cũ hỏng, một loại rác cực kỳ độc hại cho môi trường và sức khoẻ, nhóm nhà báo tác nghiệp người nước ngoài đã bị xua đuổi thẳng thừng để tránh bất cứ sự nhòm ngó, moi móc thông tin nào.


Ở Peru có câu chuyện thế này. La Oroya của Andean được đánh giá là thành phố ô nhiễm thứ 5 trên thế giới do có một khu liên hợp nấu quặng trong thành phố. Sức khỏe của ba vạn rưỡi dân cư thành phố này từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi phải tiếp xúc với kim loại nặng và các khí độc hại. Nhưng mọi việc được bưng bít một cách công phu. Công ty đã kiểm soát nhân công và người dân một cách triệt để, với một mạng lưới tuần tra ráo riết. Bất cứ ai bị phát hiện trao đổi, tiếp xúc với cánh phóng viên đều có nguy cơ mất việc hay các khoản trợ cấp xã hội. Vì vậy, những người dân trở nên thù địch với các phương tiện báo chí. Những người công nhân của Doe Run Peru đã phản đối kế hoạch giải cứu sinh thái để giữ được nguồn việc làm duy nhất của mình.

 

Ở những địa phương nơi chính quyền ẩn mình sau những vụ vi phạm môi trường và công cụ pháp luật không phát huy hiệu lực, nhà báo sẽ phải đơn thương độc mã “chiến đấu”. Họ cũng sẽ phải gánh chịu rủi ro bị đối xử bất công. Trong trường hợp này kinh nghiệm của các nhà báo cho thấy điều quan trọng là phải đưa được câu chuyện của họ đến được với người dân và được họ ủng hộ.

Tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận. Rừng có thể mọc lại, nhưng những khu rừng mà con người trồng lại sẽ không bao giờ đa dạng phong phú được như những khu rừng nguyên sinh đã tồn tại trước đó hàng ngàn năm. Vì vậy, vấn đề bảo tồn mới được đặt ra. Xuất phát từ điều tâm niệm này, Lúcio Flávio Pinto, cha đẻ và là tổng biên tập tờ Jornal Pessoal (một tạp chí có trụ sở tại Belem, thành phố vùng cửa sông Amazon, thuộc miền Bắc Brazil) đã cho xuất bản loạt phóng sự về phá rừng ở Amazon. Kết quả là có 33 đơn kiện ông.

 

Lai Baldé, phóng viên của đài FM Bombolom ở Bissora, thuộc miền Bắc nước Cộng hoà Guinea-Bissau ở khu vực Tây Phi, cũng phải đối phó với một vụ kiện như vậy sau khi phát một bản tin dài về nạn khai thác gỗ phi pháp.

 

Hòn đảo Sumatra của Indonesia là một trong những nơi rừng bị tàn phá khốc liệt. Công ty giấy và bột gỗ PT Lontar Papirup, một trong số các công ty khai thác gỗ lên tiếng thừa nhận trách nhiệm. Song, để các nhà báo có thể nhảy vào mổ xẻ câu chuyện thì không dễ. Chỉ đơn giản bởi PT Lontar Papirup thuộc về tập đoàn Sinar Mas hùng mạnh của Indonesia. Cyril Payen, phóng viên thường trú tại Đông Nam Á của một vài hãng truyền thông Pháp đã quyết định nhập cuộc để điều tra về việc khai thác gỗ bất hợp pháp của PT Lonter Papirup, nhưng rồi phóng viên này cùng nhóm tác nghiệp đã bị tạm giữ và tịch thu thiết bị khi đang quay phim những chiếc xe tải chở gỗ xẻ, mãi cho tới khi các phương tiện truyền thông đại chúng địa phương lên tiếng phản đối.

 

Ngoài sự kiện tụng, hăm dọa và mua chuộc, việc tấn công nhà báo môi trường một cách thô bạo, thậm chí bắt cóc, sát hại cũng đã từng xảy ra ở một số nơi. Đa phần các trường hợp tấn công nhà báo môi trường cho tới nay là do những nhóm côn đồ được các doanh nghiệp phạm tội hay các chính trị gia tham nhũng thuê mướn. Song, trớ trêu thay, cũng có khi chính người dân địa phương lại ủng hộ những kẻ vi phạm, phá rừng, chiếm đoạt tài nguyên hay gây ô nhiễm, mặc dù họ là nạn nhân trực tiếp. Lý do rất đơn giản, bởi họ được cung cấp việc làm và cái ăn trước mắt. Có phần hơi bi quan, nhưng thực tế đã có bài báo nhận định: “Đấu tranh chống phá rừng và ô nhiễm thường là công việc khó khăn và bạc bẽo“.

 

Không chỉ nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, các nhà báo môi trường đôi khi cũng gặp phải những cám dỗ không dễ gì vượt qua. Nay ít ai còn nhớ rằng vào tháng 9 năm 2006 ở Côte d’lvoire đã xảy ra vụ việc tàu chở dầu Probo Koala do Công ty Hà Lan Trafigura thuê mướn đã đổ một lượng lớn chất thải độc hại ra khu vực Abidjan. Khí thải thoát ra đã giết chết 10 người và ảnh hưởng tới sức khoẻ 7.000 người khác. Câu chuyện này đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm, nhưng sau đó nhanh chóng chìm nghỉm. Những mối lo ngại về môi trường dường như đã nguội nhạt một cách đáng ngờ. Người ta đã đặt nghi vấn, rất có thể những kẻ phạm pháp là đã bịt chặt vụ này bằng cách “đút phong bì” vào túi của một số nhà báo có liên quan.

 

Ghi nhận những hiểm nguy mà nhà báo môi trường phải đối mặt, Nhóm Phóng viên không biên giới đã tập hợp các sự vụ xảy ra thành một bản cáo cáo tổng hợp phát hành tháng 9 năm 2009, trong đó có đoạn: Các nhà báo khắp nơi đều phải đối mặt với nguy hiểm chỉ để giúp mọi người nhận thức tốt hơn về môi trường. Họ vẫn tiếp tục chiến đấu, bất chấp những cạm bẫy và đe dọa. Với bản báo cáo này, chúng tôi muốn đánh thức thái độ của một số cơ quan nhà nước và chính quyền khi làm ngơ trước sự an nguy tính mạng của các nhà báo, những người đang bảo vệ quyền được cung cấp thông tin về những ảnh hưởng đến môi trường cho công dân của chính họ.