Việt Nam: Còn đó nỗi đau chất độc da cam

ThienNhien.Net – Ngày 16/06 nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam đã công bố chương trình hành động giai đoạn 2010-2019 nhằm góp phần làm giảm nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Chương trình dự tính cần có 300 triệu USD để tẩy độc và hỗ trợ các nạn nhân của chất da cam ở Việt Nam.

Kế hoạch hành động này được đưa ra bởi nhóm Đối thoại Việt – Mỹ về Chất độc Da cam/Dioxin với thời gian thực hiện 10 năm và dự kiến kinh phí hoạt động là khoảng 300 triệu USD với hai ưu tiên chính là môi trường và sức khỏe con người, trong đó, phần lớn kinh phí được sử dụng vì sức khỏe con người.

Chất độc Da cam và một số các loại chất diệt cỏ khác có chứa dioxin là một hợp chất hữu cơ bền có độc tính cao và khó phân huỷ, có liên quan đến các loại bệnh ung thư, tiểu đường, các bệnh về tim mạch và thần kinh đối với những người bị phơi nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp, bệnh nứt đốt sống ở thế hệ con cháu của họ.

Không chỉ tàn phá ghê gớm đến sức khoẻ con người, chất độc da cam còn gây hậu quả nặng nề cho môi trường. Có 28 điểm nóng về ô nhiễm dioxin ở các cấp độ khác nhau đã được xác định ở miền nam Việt Nam. Đó là những khu vực, nơi chất diệt cỏ được lưu giữ, bị rò rỉ hoặc tràn ra trong khi sử dụng, mà dioxin đã ngấm vào trong đất hoặc bị rửa trôi do nước mưa cuốn xuống đáy các dòng sông, ao hồ gần đó. Từ đây chất độc này thâm nhập vào các chuỗi thức ăn và rồi vào trong cơ thể người.

Sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa và Phú Cát ở miền Nam là hai nơi bị nhiễm chất độc dioxin nặng nhất. Mức độ dioxin trong đất, lớp trầm tích trong nước và trong cơ thể các loài cá ở khu vực sân bay Đà Nẵng cao gấp 300-400 lần giới hạn quốc tế. Các thử nghiệm ở sữa mẹ và mẫu máu của những người trước đây đã từng sống gần khu vực này, đã từng trồng sen và ăn cá từ hồ Sen cho thấy hàm lượng dioxin trong cơ thể họ là cao nhất từ trước đến nay ở người Việt Nam, nhiều hơn 100 lần giới hạn quốc tế.

Bản kế hoạch sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn:
 
Giai đoạn I từ năm 2010 – 2012 với các ưu tiên chính là khống chế, di dời và xử lý đất và lớp trầm tích bị nhiễm dioxin để làm sạch hoàn toàn khu vực đầu bắc của sân bay Đà Nẵng; Hoàn thiện bản đồ của các điểm nóng, các khu vực lân cận và bắt đầu đánh giá mức độ ô nhiễm dioxin để xác định diện tích (bao gồm cả lớp trầm tích) cần phải được xử lý và thứ tự ưu tiên tẩy độc; Phát triển 3 mô hình khôi phục hệ sinh thái bền vững ở những vùng rừng bị phun rải chất rụng lá ở A Lưới và Mã Đà và rừng đước ở Ngọc Hiển….

Giai đoạn II từ năm 2013 – 2016 phải hoàn tất việc khử độc tại các căn cứ Phù Cát và Biên Hòa và các hồ lân cận cho đến tháng 12/2015; trồng cây, mây, tre hoặc những sản phẩm rừng có thể phục hồi khác trên 25% đất trơ trụi hoặc những khu vực hiện đang được che phủ bởi những loại cây chất lượng thấp hoặc chỉ có một giống cây trồng; hoàn tất việc trồng rừng đạt 2,500 hecta tại khu vực đồi núi ở A Lưới và Mã Đà, và rừng đước ở Ngọc Hiển…

Giai đoạn III diễn ra từ năm 2017 – 2019, tập trung vào: Sử dụng các phương pháp khoa học, đánh giá tính hiệu quả của các kỹ thuật được sử dụng tại 10-12 điểm nóng thứ cấp để xác định rằng các kỹ thuật đó đã làm giảm mức độ ô nhiễm dioxin trong dân cư sống trong vùng và trong chuỗi thức ăn; Áp dụng các kinh nghiệm tốt nhất đối với các điểm nóng còn lại để hoàn tất việc khử độc/giảm thiểu tác hại vào tháng 01/2020, giảm mức độ dioxin tại tất cả các điểm nóng xuống dưới giới hạn quốc tế cho phép; Tái trồng rừng, phục hồi, hay sử dụng có hiệu quả ít nhất là 50% diện tích vùng rừng đã bị rải chất làm rụng lá, trong đó có ít nhất có 30% diện tích đất được trồng hỗn hợp nhiều loài cây rừng gần như rừng nguyên trạng thời kỳ trước chiến tranh với sự đa dạng sinh học và là nơi sinh sống bền vững cho động vật hoang dã…

Ít nhất 4.5 triệu người Việt Nam và 2.8 triệu quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam từ năm 1962 và 1975 đã bị phơi nhiễm chất độc da cam và các loại chất diệt cỏ khác. Hội chữ thập đỏ Việt Nam ước tính có tới 3 triệu người gồm cả trẻ em và người lớn (đây là con số ước tính tương đối hiện có), đã bị ảnh hưởng đến sức khỏe, chịu các dị tật bẩm sinh và dị tật phát triển.