ThienNhien.Net – Với 87,22% đại biểu tán thành, Luật An toàn thực phẩm gồm 11 chương, 72 điều đã được Quốc hội thông qua ngày 17/06, tại kỳ họp thứ 7, khóa XII. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2011.
Nội dung quan trọng của Luật là quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Luật đã nêu rõ nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành. Đặc biệt là trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.
Theo Luật này, trong quản lý ngành, Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng…
Bộ Y tế có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý…