ThienNhien.Net – Khi mùa rẫy bắt đầu cũng là lúc mùa đót nở rộ, bạt ngàn. Đót như một món quà tự nhiên mà núi rừng Trường Sơn hào phóng ban tặng cho đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam đúng giữa kỳ khó khăn giáp hạt.
Mùa rẫy – mùa đót, nhà nhà đi hái đót, người người chặt đót, cả làng rủ nhau đi bứt đót, bởi đây là cái việc duy nhất họ có thể kiếm ra tiền vào thời gian này.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị 16/06, đồng bào Cơ Tu ở các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang có tập quán làm rẫy một mùa, sau đó bỏ hoang mặc cho đót mọc, 2 – 3 năm sau mới trở lại phát dọn rẫy, gieo trồng trở lại, tiện thể chặt đót đem bán.
Ấy vậy, đót lại là nguồn thu kinh tế đáng kể cho người dân nơi đây. Chỉ tính riêng huyện Đông Giang, đã có tới 9/11 xã được núi rừng Trường Sơn ưu ái cho đót. Và mỗi mùa đót đã đem lại cho đồng bào Cơ Tu trên địa bàn huyện hơn chục tỉ đồng – một con số không phải là nhỏ.
Thường thì sau khi chặt đót, đa số đồng bào chỉ đem bán một phần đót, phần còn lại họ đổi lấy đồ dùng từ các đại lý như mắm muối, cá thịt, chén bát nồi niêu, dầu gội đầu…Lẽ đơn giản vì không phải lúc nào họ cũng có tiền để sắm các vật dụng sinh hoạt và tất nhiên đổi cho đại lý người dân luôn được lời hơn bán cho tư thương.
Và mùa đót hết, sẽ đến mùa hái măng, bứt mây, bòn bon… Những sản vật từ rừng vốn có giá trị kinh tế, nếu được khai thác đúng cách, bà con dưới rừng Trường Sơn sẽ có nguồn thu để trang trải cuộc sống.