ThienNhien.Net – Mới đây, Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Cộng hòa Pháp đã cam kết chương trình vốn vay ODA trị giá 134 triệu Đô la Mỹ nhằm giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Bản thỏa thuận vốn vay cho “Chương trình Hỗ trợ Ứng phó với Biến đổi Khí hậu” (gọi tắt là SP-RCC) đã được ký kết ngày 18/06, giữa các đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Bộ Tài chính Việt Nam.
SP-RCC là chương trình được xây dựng theo sáng kiến của Nhật Bản nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Theo Báo cáo Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 2007 – 2008, với kịch bản nước biển dâng 1 mét, khoảng 22 triệu người tương đương khoảng 1/4 dân số của Việt Nam sẽ phải di dời khỏi nơi sinh sống, và rất nhiều diện tích đất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng nước biển xâm thực và mùa màng bị phá hủy nặng nề do ngập úng tại đồng bằng sông Cửu Long.
Nhằm ứng phó với những thách thức đó, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) vào năm 1994 và Nghị định thư Kyoto vào năm 2002; đồng thời thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia về ứng phó với Biến đổi Khí hậu vào tháng 12/2008.
Trong tổng số 134 triệu đô la Mỹ từ khoản hỗ trợ trên, Nhật Bản đóng góp 10 tỉ Yên Nhật (tương đương với khoảng 110 triệu đô la Mỹ) và Pháp đóng góp 20 triệu euro (tương đương với khoảng 24 triệu đô la Mỹ).
Ông Motonori Tsuno, trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, nói: “Với cam kết của Nhật Bản về giảm phát thải khí nhà kính một lượng bằng 25% của năm 1990 vào năm 2020, chúng tôi đang đặt ưu tiên cao nhất cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở cả trong và ngoài nước. Vì Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, việc hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này là ưu tiên cao nhất của JICA.”
Ông Tsuno cũng nhấn mạnh rằng, chương trình SP-RCC không chỉ nhằm hỗ trợ việc thực hiện “Chương trình Mục tiêu Quốc gia về ứng phó Biến đổi Khí hậu” của Việt Nam, mà còn như một diễn đàn đối thoại chính sách giữa Việt Nam và các đối tác phát triển, cũng như giữa các nhà tài trợ với nhau nhằm tăng cường hiệu quả viện trợ trong lĩnh vực này cho Việt Nam. Chương trình hỗ trợ này chỉ là một bước đầu trong các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu của JICA tại Việt Nam với mục tiêu cao nhất nhằm tăng cường môi trường thể chế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là phải có những hoạt động và biện pháp giảm thiểu và thích ứng cụ thể đi kèm theo. Đây là điều mà JICA mong muốn tiếp tục hợp tác với phía Việt Nam trong thời gian tới.
Còn ông Alain Henry, trưởng đại diện AFD tại Việt Nam cũng chia sẻ quan: “Chúng tôi thực sự hy vọng tất cả những nhà tài trợ quan tâm sẽ tham gia vào diễn đàn đối thoại chính sách này. Với mục tiêu xúc tiến sự điều phối giữa các bộ ngành liên quan cũng như việc xây dựng chính sách, chương trình này sẽ đóng góp vào việc lồng ghép công tác ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chính sách của các ngành và các địa phương, các kế hoạch và dự án phát triển. AFD cũng mong muốn được đồng hành trong việc thực hiện các dự án cụ thể, như một số dự án đã và đang được AFD tiến hành với một số đối tác khác nhau”.
Thông qua chương trình này, AFD sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chiến lược về quảng bá các nguyên tắc về tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, nhằm không chỉ giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính mà còn giúp tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài (như giá nhiên liệu tăng), đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thông qua việc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu.”
Việt Nam là quốc gia thứ 2 tại châu Á (sau Indonesia) được Nhật Bản và Pháp cung cấp vốn vay ưu đãi ứng phó với biến đổi khí hậu.