ThienNhien.Net – Đồng ý với chủ trương “phải trình Quốc hội thông qua các dự án có quy mô lớn”, nhưng đa phần các đại biểu tham dự buổi họp về các dự án, công trình trọng điểm quốc gia (sáng 14/6) đều lo ngại, những con số về phạm vi đất, rừng được sử dụng trong các dự án sẽ khiến tài nguyên đất và rừng Việt Nam bị “xén” nhiều hơn.
Tiêu chí sử dụng rừng là một… bước thụt lùi?
Rất nhiều đại biểu tỏ ý không đồng thuận với các tiêu chí liên quan đến các dự án sử dụng rừng. Đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM) còn cho rằng, tiêu chí về sử dụng rừng trong dự thảo là một bước… thụt lùi. Bà lý giải, trước đây, Nghị quyết 66 quy định rõ, dự án sử dụng đất rừng đặc dụng hay khu bảo tồn thiên nhiên thì dù “đụng đến 1m2 cũng phải xin Quốc hội”, nhưng lần này, dự thảo quy định sử dụng tới 200 ha mới phải báo cáo.
“Nếu áp theo tiêu chí mới như trong dự thảo sửa đổi thì chỉ thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ mất hết rừng vì người ta chỉ làm 70ha, 100ha để không cần phải xin ý kiến Quốc hội” – Đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai) bổ sung.
Riêng đối với rừng phòng hộ ven biển, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) góp ý, không nên phân lô dưới 200ha hoặc dưới 500ha đối với loại rừng này để tránh lách luật. Ông cho biết, hiện nay, đa số các vuông tôm ven biển, đặc biệt là nuôi tôm trên cát đều sử dụng đất rừng phòng hộ ven biển. Một số dự án chỉ vài trăm ha nhưng họ phân lô liên tục để lấy đất rừng.
Muốn hạn chế tình trạng chia nhỏ dự án để lách luật, theo ông Xuân, cần xem các dự án liên kết với nhau là một dự án lớn. Ví dụ đối với những tiêu chí về đất rừng chẳng hạn, ta phải tính rằng trong một khu vực hay trong một chu kỳ đầu tư là bao nhiêu năm? Nếu là 5 năm thì những dự án nhỏ đó phải được xem là một dự án. Cần có sự tính toán theo dạng nhiều dự án nhỏ trong một khu vực, phải được xem là một dự án lớn, để cộng dồn lại và có chủ trương đầu tư.
Thậm chí, ngay cả với những dự án chuyển sang trồng cao su và các cây dược liệu, ông Xuân cũng cho rằng không nên miễn trừ mà quy định từ 200 ha trở lên là phải báo cáo Quốc hội. Ông khuyến nghị, cần đặc biệt cẩn trọng với các dự án chuyển đổi đất rừng. Theo ông, Nghị quyết 66 đã có một chỗ hở về việc chuyển rừng đặc dụng, phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất. Nay lại quy định chuyển đổi mục đích sử dụng trên 1000 ha rừng thì mới phải hỏi ý kiến quốc hội nhưng lại loại trừ trường hợp trồng cao su và cây nguyên liệu thì chẳng khác nào chưa kịp “bịt” lại đã “mở” thêm ra một lỗ hổng…
Phải bảo vệ đất lúa
Bên cạnh mối lo mất rừng, nhiều đại biểu cũng lo ngại cho “số phận” của đất lúa và đất nông nghiệp. Loại đất này ngày càng bị thu hẹp và sử dụng tràn lan tại nhiều địa phương, do đó các đại biểu đề nghị, đối với các dự án chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp có quy mô lớn cần phải được Quốc hội xem xét thông qua. Đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu cụ thể, với những dự án đầu tư xâm phạm 200 ha đất lúa hai vụ trở lên thì phải báo cáo.
Cùng chung băn khoăn về điều này, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) cho biết, Báo cáo môi trường quốc gia năm 2009 chỉ rõ, hiện có 171/223 khu công nghiệp thành lập theo quyết định của Thủ tướng đi vào hoạt động, tổng diện tích đất 57.000 ha và tỷ lệ lấp đầy mới đạt 46%. Nếu con số đó tăng lên 100% thì sẽ có bao nhiêu đất canh tác bị lấy nữa? Tất nhiên họ không lấy đất rừng. Họ toàn lấy đất ven các quốc lộ, tỉnh lộ. Theo ông Dũng, cần dừng hẳn việc lấy đất canh tác, thay vào đó nên chuyển sang các vùng đất bạc màu, đất đã úng hóa ở trung du Bắc Bộ hoặc suốt dọc miền trung.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (Thanh Hóa) cũng thừa nhận thực trạng này. Ông lấy dẫn chứng về Đồ án quy hoạch Hà Nội, một dự án gây nhiều tranh cãi vì có thể lấy đi 33.000 ha đất lúa trên tổng số 43.000 ha đất nông nghiệp. Ông cho rằng, đây mới là vấn đề lớn, nếu dự án này được thông qua.
Theo ông Phúc, để quản lý được những dự án lấy đất lúa, cần cân nhắc kỹ việc giao trách nhiệm cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng.
Ngoài hai vấn đề nêu trên, các đại biểu còn thảo luận về tiêu chí quy mô vốn của các dự án, công trình trọng điểm. Đa phần các ý kiến đều ủng hộ quan điểm, với những dự án có mức đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải báo cáo Quốc hội.