Triển vọng áp dụng bồi hoàn đa dạng sinh học ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Việc thực hiện bồi hoàn đa dạng sinh học có tiềm năng rất lớn ở Việt Nam, cả trên khía cạnh phát triển chính sách lẫn triển khai các mô hình thử nghiệm. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, khi các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và thủy điện có nguy cơ gây nhiều tác động tiêu cực lên môi trường, các cơ chế này cần được chú trọng để áp dụng thí điểm.


Bồi hoàn đa dạng Sinh học và BBOP

Bồi hoàn đa dạng sinh học là một phương thức thể hiện rằng các hoạt động, dự án phát triển có thể được thực hiện theo cách tạo ra sự “không hề mất mát” hoặc thậm chí gia tăng về đa dạng sinh học.

Hiện nay hơn 30 quốc gia đã có luật yêu cầu thực hiện bồi hoàn đa dạng sinh học, nhiều quốc gia có một số chính sách có liên quan đến đền bù cho bảo tồn, còn một số nước khác đang thử nghiệm các khung chính sách có liên quan.

Động cơ thúc đẩy các nước thực hiện bồi hoàn đa dạng sinh học là triển vọng đạt được các kết quả bảo tồn tốt hơn so với các kết quả từ các dự án thông thường, vì những người làm dự án sử dụng các kế hoạch bồi hoàn đa dạng sinh học để đạt được sự “không hề mất mát” về đa dạng sinh học.

Điều này khác với cách giảm thiểu tác động truyền thống và khuyến khích doanh nghiệp chịu trách nhiệm đối với các tác động của mình. Do đó, bồi hoàn đa dạng sinh học tạo ra những khoản đầu tư thêm và mới cho các kết quả bảo tồn từ khu vực tư nhân, đồng thời giúp nhà nước đạt được các mục tiêu bảo tồn họ đã đặt ra trong các chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học và các kế hoạch hành động cấp quốc gia.

Thông thường, những người thực hiện dự án không nắm hoặc hiểu rõ yêu cầu của nhà nước đối với họ trong việc tránh, giảm thiểu và cuối cùng là đền bù cho các tác động của họ đối với đa dạng sinh học. Vì vậy, nhà nước cần có hướng dẫn rõ ràng thông qua chính sách bồi hoàn đa dạng sinh học. Chính sách này cung cấp cho các công ty sự chắc chắn về mặt pháp lý, tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong quá trình lập kế hoạch, cùng sự linh động nhằm đạt được các mục tiêu bảo tồn đã được thỏa thuận.

 Theo BBOP: “Bồi hoàn đa dạng sinh học là các kết quả bảo tồn có thể đo đếm được của các hành động được thiết kế để bù đắp cho các tác động tiêu cực còn lại lên đa dạng sinh học từ một dự án phát triển, sau khi các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tác động đã được tiến hành.

Mục đích của bồi hoàn đa dạng sinh học là đạt được sự “không mất mát” hoặc là tốt hơn nữa là gia tăng về đa dạng sinh học trên thực tế về thành phần loài, cấu trúc sinh cảnh, chức năng hệ sinh thái và giá trị sử dụng và văn hóa của con người liên quan đến đa dạng sinh học“.

Từ quan điểm thực thi bồi hoàn đa dạng sinh học, Forest Trends – một tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ các phương án bảo tồn dựa vào thị trường – đã thiết lập Chương trình Kinh doanh và Bồi hoàn Các-bon (BBOP). 

BBOP là đối tác quốc tế của hơn 50 công ty khác nhau, các tổ chức tài chính, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự và các chuyên gia tư vấn. Mục tiêu của BBOP nhằm thử nghiệm và xây dựng cách làm tốt nhất về bồi hoàn đa dạng sinh học và thành lập ngân hàng bảo tồn trên thế giới.

Từ kinh nghiệm thu được qua thực hiện dự án thử nghiệm với các công ty, BBOP kết nối với chính phủ các nước hàng đầu về lĩnh vực bồi hoàn đa dạng sinh học. Một trong những ưu tiên của BBOP là hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách về bồi hoàn đa dạng sinh học, hỗ trợ chính phủ trong lập các quy hoạch cấp vùng và cấp cảnh quan.

Trong xu hướng chung hướng đến sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp, chủ đầu tư (đặc biệt các dự án cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ, dầu, khí đốt, thủy điện, năng lượng gió, dự án đường xá, đường sắt, phát triển nhà ở, du lịch và một số loại hình nông nghiệp) sẽ nhận ra lợi ích khi tham gia BBOP, bởi các chính phủ, các tổ chức tài chính, hội đoàn dân sự ngày càng kỳ vọng các họ chịu trách nhiệm đầy đủ về các tác động môi trường của dự án mình.

Trong nhiều trường hợp, thực hiện bồi hoàn đa dạng sinh học giúp công ty chứng minh hoạt động của họ không làm tổn hại đến đa dạng sinh học, giúp cải thiện cuộc sống cho cộng đồng địa phương và giảm các rủi ro trong xây dựng dự án và vận hành.

Khung chính sách và cơ hội áp dụng bồi hoàn đa dạng sinh học tại Việt Nam

Tuy chưa có một chính sách cụ thể về bồi hoàn đa dạng sinh học, nhưng có thể nói Việt Nam đã có khung pháp lý về đền bù đa dạng sinh học.

Điều 75 của Luật đa Đa dạng sinh học chỉ ra rằng “các tổ chức hoặc cá nhân nào xâm phạm vào các khu bảo tồn hoặc các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học… sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”, và “Việc thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra đối với đa dạng sinh học được thực hiện theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, Bộ TN&MT mới đây đã trình Thủ tướng bản dự thảo nghị định về bồi thường thiệt hại môi trường.

Việc thực hiện bồi hoàn đa dạng sinh học ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn, đặc biệt trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và thủy điện. Trong thời gian gần đây, dư luận trong nước đặc biệt quan tâm đến các tác động tiêu cực, trong đó có tác động về môi trường, do hai ngành này gây ra.

Về thủy điện, số liệu của Bộ Công Thương (T3/2010) cho biết hiện cả nước có 36 tỉnh đã có dự án thủy điện, với tổng số 1.021 dự án đã được phê duyệt, tổng công suất đạt khoảng 24.246 MW. Trong số các dự án này chỉ có 138 dự án lớn do Chính phủ trực tiếp quản lý, còn lại là các dự án vừa và nhỏ do địa phương quản lý.

Báo cáo cũng nêu rõ một số dự án đã được phê duyệt và vận hành không tuân thủ quy định pháp luật, do vậy gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, mất mát giá trị đa dạng sinh học. Hàng trăm ngàn ha rừng đã bị phá bỏ để phát triển các dự án thủy điện, cùng với đó là hàng ngàn ha đất rừng bị chuyển đổi để hình thành các vùng tái định cư cho người dân.

Bên cạnh thủy điện, khai thác khoáng sản cũng tác động rất lớn đến môi trường. Nghiên cứu của Viện Tư vấn Phát triển (CODE) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) năm 2010 cho thấy cả nước hiện có khoảng 5.000 điểm khai thác khoảng sản đang hoạt động. Tổng diện tích đất sử dụng cho khai thác khoáng sản là khoảng 41.000 ha. Đây chỉ là những số liệu tổng hợp ban đầu, con số thực tế chắn chắn còn lớn hơn nhiều.

Việc ban hành chính sách bồi hoàn đa dạng sẽ giúp cho Việt Nam tránh hoặc ít nhất giảm thiểu được những mất mát về đa dạng sinh học do các hoạt động phát triển, trong đó có các dự án phát triển thủy điện và khai thác khoáng sản gây ra.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng chính sách phải được hình thành từ kinh nghiệm thực tế. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc thiết kế và vận hành thử nghiệm mô hình bồi hoàn đa dạng sinh học tại thực tế, thông qua việc kết hợp với các công ty có trách nhiệm và sự ủng hộ về chủ chương cùng sự điều hành quản lý hành chính của Chính phủ.

Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã thảo luận với BBOP về tiềm năng của việc bồi hoàn đa dạng sinh học nhằm tìm ra hướng giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu bảo tồn và phát triển của mình.

Hiện BBOP và Bộ NN&PTNT bắt đầu các thảo luận về các mục tiêu và các hoạt động của sự hợp tác này.

 Về các tác giả:

Patrick Maguire: Hiện quản lý Chương trình Bồi hoàn Đa dạng sinh học của Tổ chức quốc tế Forest Trends. Ông có trên 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quản lý rừng cộng đồng và các chương trình có liên quan đến bảo tồn. 

TS. Tô Xuân Phúc: là cán bộ nghiên cứu thuộc chương trình Thương Mại và Tài Chính của Forest Trends. Các nghiên cứu của TS. Phúc tập trung vào quản trị rừng bền vững, thương mại gỗ và sinh kế người dân.

Giảm thiểu tác động môi trường nhờ bồi hoàn đa dạng sinh học