Sửa đổi Luật Khoáng sản phải đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

ThienNhien.Net – Trong phiên họp toàn thể tại Hội trường ngày 16/06 thảo luận về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) nhất thiết phải cụ thể hóa được tinh thần triệt để tiết kiệm, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và lâu dài của đất nước.


Luật Khoáng sản được Quốc hội khoá IX thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực từ tháng 09/1996 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2005, là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy công nghiệp khai khoáng nước ta phát triển, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản.

Phần lớn ý kiến thảo luận của các biểu Quốc hội đều thống nhất quan điểm cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Khoáng sản (sửa đổi) bởi công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản thời gian vừa qua còn có thiếu sót và bất cập. Nạn khai thác, tiêu thụ khoáng sản trái phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) gồm 11 chương với 87 điều quy định cụ thể về sở hữu tài nguyên khoáng sản; chính sách của Nhà nước về khoáng sản; quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác; khu vực cấm hoạt động khoáng sản; khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; thăm dò khoáng sản độc hại…

Theo các đại biểu Đinh Quang Xuân (Đồng Tháp), Lê Quốc Dung (Thái Bình), dự thảo Luật không nên quy định Chiến lược tài nguyên khoáng sản như Điều 30, vì chiến lược này đã được thể hiện trong các quy định của pháp luật và trong quy hoạch về khoáng sản.

Các đại biểu Trần Văn Tấn (An Giang), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản là chưa thống nhất. Các đại biểu đề nghị cần có quy định bổ sung về cấp phép thăm dò, khai thác cả một khu vực khoáng sản cho một tổ chức hoặc một cá nhân hoạt động ổn định lâu dài, nhằm kiểm soát việc tuân thủ pháp luật, đặc biệt là các quy định của pháp luật về môi trường.

Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo luật quy định cụ thể các khoản về trình tự, thủ tục xin giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, cần làm rõ quy định về thời hạn mà cơ quan có thẩm quyền xem xét để cấp phép, nếu từ chối cấp phép phải đưa ra lý do để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong cấp phép…

Ý kiến của đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho biết, điều 7 về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác cần cụ thể hóa hơn. “Phải hết sức tránh những xung đột về lợi ích giữa các bên”, đại biểu của Vĩnh Phúc nói.

Mặt khác, có ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ của Thanh tra chuyên ngành khoáng sản bao gồm cả nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản là không phù hợp với nguyên tắc chung của hoạt động thanh tra.

Do đó, đại biểu đề nghị quy định thanh tra chuyên ngành khoáng sản chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước về khoáng sản.

Ngoài các vấn đề nêu trên, các đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình), Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) và một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật nghiên cứu, bổ sung thêm các chế tài xử lý tình trạng khai thác khoáng sản tự phát bừa bãi, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô, tăng cường bảo vệ môi trường