Phát triển không gian xanh trong quy hoạch đô thị

ThienNhien.Net – Khi triển khai xây dựng khu đô thị mới, chủ đầu tư phải đảm bảo quỹ đất cây xanh. Đồng thời, khi xây dựng mới đường đô thị phải trồng cây xanh đồng bộ với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đây là nội dung chính trong Nghị định 64/2010/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, về quản lý cây xanh đô thị, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/07/2010.


Thực tế đã có dự án ảnh hưởng đến diện tích đất công viên, vườn hoa, hoặc chủ đầu tư các dự án khu dân cư không trồng cây xanh theo đúng tỷ lệ mảng xanh quy định. Vì thế, trong nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị, Nghị định nêu rõ, khi triển khai xây dựng khu đô thị mới, chủ đầu tư phải đảm bảo quỹ đất cây xanh; cây xanh được trồng phải đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây trồng theo quy hoạch chi tiết khu đô thị mới đã được phê duyệt, đồng thời phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây xanh đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Khi xây dựng mới đường đô thị phải trồng cây xanh đồng bộ với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Khi cải tạo, nâng cấp đường đô thị, các công trình đường ống kỹ thuật hoặc khi tiến hành hạ ngầm các công trình đường dây, cáp nổi tại các đô thị có liên quan đến việc bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển, trồng mới cây xanh, chủ đầu tư phải thông báo cho cơ quan quản lý cây xanh trên địa bàn biết để giám sát thực hiện.

Xác định rõ chỉ tiêu đất cây xanh trong quy hoạch đô thị

Quy hoạch cây xanh đô thị là một nội dung trong quy hoạch đô thị. Trong đó, phải xác định chỉ tiêu đất cây xanh, tổng diện tích đất cây xanh cho toàn đô thị cũng như từng khu vực đô thị, diện tích đất để phát triển vườn ươm và phạm vi sử dụng đất cây xanh đô thị.

Kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị và kinh phí thực hiện phải được bố trí vào chương trình hoặc kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương.

Xã hội hóa quản lý cây xanh đô thị

Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, phát triển cây xanh đô thị nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm và bảo vệ cây xanh đô thị.

Các tổ chức, cá nhân được Nhà nước huy động tham gia vào quản lý cây xanh đô thị theo hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng thông qua hợp đồng. Để tham gia, các đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh phải có đủ năng lực, kinh nghiệm, có trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật cần thiết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, công tác trồng và chăm sóc cây xanh đã được cải thiện, nhiều đô thị đã tiến hành thống kê về số lượng và tổ chức đánh số cây xanh đường phố để lập hồ sơ quản lý và kiểm soát. Việc chặt hạ di dời cây xanh trái phép bước đầu đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại như việc quy hoạch cây xanh chưa được quan tâm đầy đủ trong đồ án quy hoạch đô thị, các công viên phát triển còn manh mún, việc xây dựng trên đất cây xanh còn tùy tiện; chưa có các quy định cho các chủ đầu tư xây dựng khu đô thị mới phải có trách nhiệm trồng cây và phải chăm sóc cây đến khi bàn giao công trình cho cơ quan chủ quản; công tác quản lý cây xanh đô thị còn chưa thống nhất… Những vấn đề tồn tại đó cần phải giải quyết thông qua một thể chế thống nhất, có tính toàn diện.

Do vậy, Nghị định về quản lý cây xanh đô thị ra đời là công cụ quản lý thống nhất có tính pháp lý cao nhằm thúc đẩy hệ thống cây xanh đô thị phát triển bền vững, góp phần cải thiện môi trường sống trong đô thị và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.