Minh bạch thông tin vì sự bền vững của lưu vực Mê Kông

ThienNhien.Net – Việc Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác tại Hội nghị thượng đỉnh Hua Hin và mới đây nhất là động thái đón đoàn đại biểu Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) tới thăm đập thủy điện trên sông Lan Thương, tổ chức hội đàm về hợp tác tương lai… đã nhen lên những điểm sáng trong mối quan hệ giữa MRC và Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như những bước tiến mới này là chưa đủ để tạo niềm tin rằng tương lai bền vững cho toàn lưu vực Mê Kông sẽ được đảm bảo, rằng nguồn tài nguyên chung của lưu vực sẽ được chia sẻ công bằng và rằng cả hai bên đã làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trong việc minh bạch thông tin. Điều này phần nào thể hiện trong bức thư mới đây của Liên minh Cứu sông Mê Kông gửi đến MRC.

Bức thư được đề gửi ông Jeremy Bird, chủ tịch MRC ngày 15/06/2010, ngay trước thềm buổi gặp mặt của Ủy ban Hỗn Hợp thuộc Ủy ban Quốc Gia sông Mê Kông các nước diễn ra vào thứ năm và thứ sáu tuần này tại Viêng Chăn. Nội dung bức thư chủ yếu đề nghị MRC công bố thông tin, dữ liệu thủy văn đã có và quy trình vận hành các đập thủy điện trên sông Mê Kông, đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc bổ sung thông tin, phục vụ công tác nghiên cứu toàn diện các tác động của đập thủy điện trên thượng nguồn.

Thiếu chia sẻ thông tin – tăng mức độ trầm trọng của thảm họa

Nói về sự cần thiết phải có cơ chế rõ ràng trong việc chia sẻ thông tin, Liên minh Cứu sông Mê Kông (dưới đây gọi tắt là Liên minh) nhắc lại trận khô hạn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua vào năm 2010 ở các nước lưu vực Mê Kông, đặc biệt Nam Lào, Thái Lan, Tây Nam Trung Quốc và Việt Nam. Biết bao nông dân, ngư dân – những người mà sinh kế phụ thuộc trực tiếp vào dòng Mê Kông – đã lâm vào cảnh khốn đốn vì thiếu nước cho tưới tiêu, chăn nuôi, sinh hoạt. Ngành vận tải, thương mại và du lịch cũng không đứng ngoài vòng ảnh hưởng.

Như một giọt nước tràn ly, Trung Quốc đã đồng loạt bị chỉ trích vì các con đập trên thượng nguồn của họ, vì việc không cung cấp đầy đủ thông tin về mực nước trong các hồ chứa và dữ liệu vận hành đập – vốn được coi là nguồn cơn gây nên sự trầm trọng của trận khô hạn này.

Bức thư của Liên minh nhấn mạnh: Nếu lượng mưa giảm đã được xác định là yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng khô hạn năm 2010 thì một câu hỏi vô cùng bức thiết khác đến nay vẫn còn để ngỏ là liệu việc tích nước của đập Tiểu Loan có liên quan đến mức độ khốc liệt của trận hạn hán hay không? Trong khi đó, các phát ngôn và báo cáo về khô hạn của MRC vẫn “biện hộ” cho các con đập trên sông Lan Thương, bất chấp một thực tế là các dữ liệu không hề được cả Trung Quốc và MRC công bố để minh chứng cho luận điểm này.

Thừa nhận rằng các cam kết của Trung Quốc về việc cung cấp dữ liệu từ tháng ba tới cuối kỳ khô hạn là một bước đi tích cực, Liên minh vẫn cho rằng chi tiết về thỏa thuận chia sẻ dữ liệu giữa Trung Quốc và MRC là chưa rõ ràng. Theo họ, dữ liệu được cung cấp cho MRC là chưa đầy đủ và vì thế chưa phù hợp cho những phân tích thấu đáo về nguyên nhân sâu xa và các nhân tố dẫn đến tình trạng khô hạn vừa qua.

Theo đó, Liên minh “buộc tội” luận điểm của MRC cho rằng các con đập trên sông Lan Thương của Trung Quốc không gây nên tình trạng khô hạn là thiếu trách nhiệm và không thích đáng vì nó dựa trên những dữ liệu thiếu sót: “Như vậy, MRC đã hy sinh tính khách quan khoa học và sự chân xác, đồng thời thất bại trong hành động vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia trong lưu vực.”

Liên minh cũng cho rằng MRC lẽ ra phải tuyên bố rõ ràng là việc thiếu thông tin từ Trung Quốc gây khó khăn cho công tác phân tích nguyên nhân của tình trạng khô hạn và đồng thời yêu cầu Trung Quốc bổ sung dữ liệu. Còn trong tường hợp MRC đã có dữ liệu nhưng chưa công bố thì nó cần phải được công bố vì lợi ích công.

 

 Trung Quốc bắt đầu vận hành con đập đầu tiên trên sông Lan Thương – đập Mạn Loan – năm 1992. Con đập thứ hai – Đại Chiếu Sơn và thứ ba – Cảnh Hồng lần lượt hoàn thành vào năm 2003 và 2008. Tháng sáu 2009, đập Tiểu Loan bắt đầu tích nước, trùng hợp với thời kỳ giảm lượng mưa và sau đó là hạn hán. (Ảnh: Probeinternational.org)

Tăng cường minh bạch thông tin – bước khởi đầu hợp tác

Dựa trên những nhìn nhận về bối cảnh chia sẻ thông tin hiện nay giữa MRC và Trung Quốc, giữa Trung Quốc và các cộng đồng hạ nguồn, Liên minh đã đề nghị MRC làm rõ một số vấn đề:

Thứ nhất, MRC cần công bố các thông tin đã được Trung Quốc cung cấp, cụ thể là về kế hoạch triển khai các dự án đập; về mực nước của các hồ chứa trên sông Lan Thương, đặc biệt là đập Tiểu Loan; về dữ liệu tích nước và xả nước của các đập, đặc biệt khi đập Tiểu Loan bắt đầu tích nước.

Thứ hai, Liên minh cũng yêu cầu MRC cung cấp kết quả của cuộc gặp mặt nhằm “trao đổi thông tin, phân tích và làm rõ hiện trạng cũng như những thay đổi lâu dài” diễn ra hồi tháng 3/2010 giữa các chuyên gia của MRC và Trung Quốc. Đồng thời, công bố các báo cáo và thông tin trong chương trình trao đổi về tình trạng mực nước thấp và trách nhiệm của các đập thủy điện trên thượng nguồn.

Thứ ba, Liên minh cũng đề nghị MRC công bố dữ liệu bổ sung về mực nước các đập nước trên sông Lan Thương từ kết quả chuyến viếng thăm Vân Nam của MRC đầu tháng 6 vừa qua.

Cuối cùng, Liên minh đề nghị MRC thông tin cụ thể về các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu trong tương lai giữa Trung Quốc và MRC trong mùa khô.

Liên minh lưu ý rằng việc thông tin được công bố rộng rãi là rất cần thiết cho việc thực hiện các phân tích độc lập về nguyên nhân gây ra mực nước thấp trên lưu vực Mê Kông: “Sẽ không có gì lạ nếu việc thiếu tiếp cận thông tin khiến các cộng đồng hạ lưu nghi ngờ về trách nhiệm của các con đập trên sông Lan Thương đối với kỳ khô hạn vừa qua. Từ đầu những năm 1990 các nhà khoa học đã cảnh báo về mối liên hệ giữa chế độ thủy văn và tình trạng bồi lắng của sông Mê Kông với quá trình vận hành của đập thủy điện trên sông Lan Thương. Tuy nhiên, đến nay các con đập của Trung Quốc vẫn được xây dựng mà không có quá trình tham vấn, giải, trình công bố thông tin, bồi hoàn thiệt hại cho các quốc gia hạ nguồn”.

Liên minh cũng nhấn mạnh, nếu thực hiện đúng sứ mạng của mình với việc quản lý bền vững lưu vực thì MRC phải đề nghị Trung Quốc tiết lộ tất cả số liệu về lượng mưa, mực nước sông và hồ chứa, quy trình vận hành đập từ giữa những năm 1980 khi đập thủy điện bắt đầu được khởi công xây dựng trên thượng nguồn. Đồng thời, việc đàm phán với các nước hạ lưu về bồi thường cho các tác động trong quá khứ và hiện tại, phục hồi và hạn chế các tác động trong tương lai cũng cần được tính đến.

Trận khô hạn tồi tệ năm 2010 một lần nữa chứng minh sự cần thiết phải hợp tác giữa tất cả các quốc gia chung dòng Mê Kông. Trong đó, việc công bố các dữ liệu một cách kịp thời chính là bước khởi đầu quan trọng nhằm xây dựng lòng tin và sự hợp tác không chỉ giữa các chính phủ lưu vực Mê Kông mà với cả các cộng đồng ven sông, để bảo vệ dòng sông cho các thế hệ hiện tại và tương lai – Liên minh khẳng định.

Bạch Dương

Ủy hội Sông Mê Kông thăm đập Trung Quốc
Nỗi lo khô hạn vùng Mê Kông
Khô hạn Mê Kông: “Quýt làm cam chịu”?