ThienNhien.Net – Theo các cơ quan chức năng, Hải Phòng chính là điểm đến của các mặt hàng ngà voi nhập lậu. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2009 đến nay, đã có 7 vụ nhập lậu ngà voi với tổng số lượng trên 13 tấn được phát hiện tại cảng Hải Phòng.
Thông tin trên báo Công an nhân dân số ra ngày 12/06/2010 cho biết, theo Cục Hải quan Hải Phòng (HQHP), trong số 7 vụ nhập lậu ngà voi nêu trên, có 1 vụ số lượng lên đến 7 tấn do Công ty Phúc Thiên Ngân có trụ sở tại xã Tân Tiến, huyện An Dương, TP Hải Phòng đứng tên chủ lô hàng giấy vụn nhập khẩu; có 4 vụ phát hiện trong năm 2010, trong đó, chỉ riêng tháng 05/2010 phát hiện tới 3 vụ, đáng để gọi là tháng kỷ lục về phát hiện buôn lậu ngà voi.
Qua quá trình xem xét hồ sơ, cơ quan chức năng nhận thấy có 3 điểm giống hệt nhau về phương thức của các vụ nhập lậu: Thứ nhất, hàng hóa thuộc diện tạm nhập bằng đường biển vào các cảng thuộc khu vực Hải Phòng, doanh nghiệp trong nước đứng tên nhận hàng, sau đó làm thủ tục chuyển khẩu sang nước thứ 3 (Trung Quốc) bằng đường bộ. Thứ hai. khi kê khai làm thủ tục hải quan, đều núp dưới vỏ bọc bằng loại hàng hóa khác, rẻ tiền, phổ thông, thuế suất thấp như cá khô, mùn cưa, giấy vụn, rong biển, rau câu… Thứ ba, khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, các doanh nghiệp luôn kêu không biết, không làm và cũng không có nhu cầu nhập khẩu ngà voi.
Thực ra, tình trạng nhập lậu ngà voi ở Hải Phòng đã xuất hiện từ 5 năm trước nhưng gặp nhiều khó khăn và thách thức nên các ngành chức năng còn để “lọt lưới”. Ngày nay, khi công tác kiểm soát của hải quan được thắt chặt hơn, các chủ buôn lậu cũng hoạt động tinh vi hơn trước. Chúng không còn chọn châu Phi là điểm xuất hàng mà nhập qua một nước châu Á khác rồi mới nhập về Hải Phòng, hàng hoá được khai ở dạng tạm nhập tái xuất, với chủng loại đa dạng (ngà voi được giấu trong các kiện hàng giá trị thấp như cá khô, rong biển, giấy vụn… và hàng giá trị cao như gỗ xẻ đóng kiện). Tránh con mắt tò mò và nghi ngờ của hải quan cùng các ngành chức năng, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) không còn là điểm tái xuất và cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) là lựa chọn mới.
Các chủ buôn lậu ngày càng tinh vi trong khi lực lượng hải quan thiếu nhân lực, máy móc để hỗ trợ công việc (máy soi công-te-nơ chưa được trang bị). Hiện tại, công tác thẩm định nguồn tin, quan sát các dấu hiệu khả nghi thường dựa vào kinh nghiệm cá nhân của cán bộ hải quan.
Theo ông Vũ Hoàng Dương, Đội trưởng Kiểm soát – Cục Hải quan Hải Phòng, ngà voi là mặt hàng siêu lợi nhuận, điểm đến của chúng là Trung Quốc, song nếu nhập khẩu bằng đường biển vào cảng chính tại Trung Quốc chắc chắn hàng hóa sẽ phải qua máy soi tia tử ngoại nên rất dễ bị phát hiện.
Nếu tạm nhập vào các cảng TP HCM, Đà Nẵng lại gặp nhiều bất lợi, vì hành trình đường bộ đến nơi xuất lại rất xa, chi phí rất lớn, độ “an toàn” không cao. Nếu phải chuyển tải bằng đường biển thì phải cập cảng Trung Quốc, lại phải qua máy soi. Vì thế, chỉ vào cảng Hải Phòng rồi chuyển tải thẳng tới cửa khẩu (không có máy soi ngay cả cửa khẩu tại Trung Quốc) là con đường ngắn nhất, an toàn nhất. Như vậy, buôn lậu ngà voi, động vật hoang dã từ nước ngoài vào cảng Hải Phòng chắc chắn vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng kiểm soát cửa khẩu…