Dự án đường sắt cao tốc: Có cấp thiết trong bối cảnh hiện tại?

ThienNhien.Net – Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam dài 1.570km, với số tiền đầu tư 56 tỷ USD hiện đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri trong cả nước bởi quy mô và tầm vóc thế kỷ của nó. Các đại biểu Quốc hội cũng đang tranh luận sôi nổi trong các phiên họp thảo luận. Trong đó, có rất nhiều ý kiến trái chiều cho thấy Dự án này chưa đạt được sự "nhân hòa" cần thiết nếu triển khai trong bối cảnh hiện tại của đất nước.


Bên cạnh các ý kiến ủng hộ chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam của Chính phủ, nhiều đại biểu quốc hội tỏ rõ quan điểm không tán thành việc Quốc hội thông qua Dự án trong thời điểm này, vì nó vừa thể hiện sự vội vã không cần thiết trong khi tiềm năng đất nước chưa cho phép.

Ủng hộ chủ chương xây dựng tuyến đường, Đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đã liên hệ việc đầu tư 56 tỷ USD cho dự án này với cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc: “Tôi cho rằng đây là đầu tư cho sự phát triển, đã là đầu tư cho sự phát triển thì con cháu chúng ta sẽ nói lời cám ơn những người ngồi đây hôm nay đã nghĩ cho tương lai con cháu chúng ta. Mặc dù khó khăn, thiếu vốn nhưng khó khăn nhất là một dân tộc yếu đánh đế quốc lớn mà chúng ta còn vượt qua được bằng xương máu, bằng trí tuệ…”

Hơn thế, Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào còn cho rằng, giờ mới tính đến việc xây đường sắt cao tốc đã là muộn, vì bức tranh thực tại về đường sắt Việt Nam là quá lạc hậu, nhếch nhác “như thời đường sắt liên bang Xô Viết mấy chục năm trước”.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) lại bày tỏ: “Có người nói nếu làm đường sắt cao tốc, để lại một khoản nợ khổng lồ là có lỗi với con cháu. Nhưng nếu để một hệ thống đường bộ, đường sắt xập xệ, giao thông rùa bò, từ Hà Nội đi Thanh Hóa hơn 150km mà mất hơn 4 tiếng đồng hồ, rồi mỗi năm nhiều người chết vì tai nạn cũng là có lỗi với con cháu”.

Trái lại, Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) lại không đồng tình với Dự án vì cho rằng trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội của chúng ta còn đang rất khó khăn, cần đầu tư, nâng cấp, như tình trạng quá tải cũng như xuống cấp ở các bệnh viện, đường xá…, “chúng ta cần tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc hiện tại để gắn với tăng trưởng kinh tế bền vững”.

Cùng quan điểm như đại biểu Trần Hồng Việt, đại biểu Lê Đình Khanh (tỉnh Hải Dương) cũng cho rằng đất nước ta còn nghèo, trong khi nguồn vốn cho nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội còn có hạn, vì vậy: “Trước mắt Chính phủ nên tập trung giải quyết những bức xúc hiện nay, như ách tắc giao thông ở hai thành phố lớn, thiếu điện để dân không còn chịu cảnh mất điện giữa hè, mẻ thép ra lò không đông cứng do mất điện…”

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng đặt câu hỏi đối với sự cần thiết của Dự án này: “Đọc báo cáo tôi nhận thức âm hưởng chủ đạo là bác bỏ mọi giải pháp phát triển đường sắt để đảm bảo vị trí độc tôn của đường sắt cao tốc. Tờ trình Chính phủ nói: Tuyến QL1 chủ yếu để vận tải nội vùng. Tôi không tưởng tượng được một đường chiến lược, đường xương sống như QL1 lại chỉ để phát triển nội vùng”.

Hơn nữa: “Tờ trình của Chính phủ nói rằng, chúng ta quá tập trung phát triển đường bộ! Trong khi đó, đồng bào ta nhiều nơi đi lại còn quá khó khăn, đồng bào tỉnh Kontum còn phải đánh đu để qua sông. Tôi không biết những người viết báo cáo và tờ trình này ngồi ở đâu, sống ở đâu, có sống ở đất nước Việt Nam không mà nhận định là chúng ta đã quá tập trung về phát triển đường bộ”? – Đại biểu Thuyết bức xúc.

Là một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, bà Phạm Lan Chi, đã so sánh khá hóm hỉnh và sâu sắc về việc coi phát triển đường sắt cao tốc Bắc – Nam giai đoạn này là bước “đột phá”, theo những người ủng hộ Dự án. Bà đánh giá đó là sự nôn nóng và thiếu cân đối mọi yếu tố liên quan: “Nếu quan niệm đột phá như vậy cũng giống như một gia đình nghèo chỉ cần hùn tiền cho một đứa con ăn học sau đó nghĩ, nó có thể gánh vác cho cả gia đình. Còn lại, những đứa con khác mặc kệ để nghèo khổ không cần học hành”.

Sau khi phân tích những yếu tố giá cả vé tàu cao tốc, khả năng thu hồi vốn… bà Phạm Lan Chi cũng nêu ý kiến: “Nên lùi bài toán này lại ít nhất 10 năm nữa, khi Việt Nam đạt chỉ tiêu thu nhập bình quân khoảng 3.000 USD thì hãng bàn đến. Từ khâu bàn đến thẩm định cũng phải mất vài năm”.

Vì quy mô và mức ảnh hưởng của Dự án, cần có thời gian nghiên cứu, suy xét thấu đáo trên các bình diện thiên thời địa lợi nhân hòa, nhiều đại biểu cũng đề nghị lùi lại việc bàn luận, phê duyệt cho Quốc hội khóa sau, vì quốc hội khóa này sắp mãn nhiệm, sẽ không có điều kiện để giám sát: “Đường sắt cao tốc Bắc – Nam là ý tưởng đẹp cần có thời gian khảo sát, phân tích kỹ hơn. Tôi đề nghị giao cho Quốc hội khóa XIII xem xét quyết định đầu tư” – Đại biểu Trần Hồng Việt (tỉnh Kiên Giang) phát biểu.

Dự kiến đến 19/6 Quốc hội sẽ biểu quyết việc có hay không thông qua chủ trương đầu tư Dự án này.

Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 9/6/2010 cho biết: Theo số liệu của Việt Nam, tính đến cuối năm 2009 nợ công là 41,9% GDP. Tuy nhiên, theo một số tổ chức quốc tế thì chỉ số nợ công thực tế của Việt Nam cao hơn. Cụ thể, theo Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí The Economist của Anh thì nợ công của Việt Nam trong năm 2009 ước tính khoảng 52,1% GDP, còn theo World Factboob của CIA, Mỹ, nợ công của Việt Nam cho tới cuối năm 2009 đứng mức 52,3% GDP.