ThienNhien.Net – Thời gian qua, nhiều vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được phát hiện và đang bị xử lý. Tuy nhiên, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi của các vụ xả thải đòi hỏi cơ quan quản lý môi trường cần có biện pháp phát hiện kịp thời.
70% nước thải tại các KCN không được xử lý
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Tổng cục Môi trường, mới chỉ có 40% các KCN trên cả nước có hệ thống thu gom nước thải, rác thải. Khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các KCN đang được xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý.
Hiện tượng này đã tác động xấu đến hệ sinh thái tự nhiên, gây thiệt hại đáng kể tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, gia tăng gánh nặng bệnh tật, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Trong khi đó, lượng chất thải rắn từ các KCN đang có chiều hướng gia tăng, trong đó thành phần chất thải rắn nguy hại chiếm tới 20%. Riêng năm 2010, ước tính khối lượng chất thải rắn công nghiệp của cả nước khoảng 4,8 triệu tấn, trong đó có khoảng 630.000 tấn chất thải nguy hại.
Vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn tại các KCN vẫn đang còn nhiều bất cập. Điển hình như các KCN miền Trung chưa có trung tâm xử lý chất thải nguy hại tập trung (chỉ mới nằm trong quy hoạch tại khu vực Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), chưa có nơi thu gom, vận chuyển và xử lý với quy mô lớn.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 13 KCN, KCX đang hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có KCX Tân Thuận, Linh Trung 1&2, Tân Bình hoàn chỉnh hạng mục xây dựng khu vực phân loại và trung chuyển chất thải rắn.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu không khắc phục kịp thời những hậu quả do các loại phát thải gây ra thì nguồn lợi kinh tế từ các KCN sẽ không đủ bù đắp cho những thiệt hại do ô nhiễm môi trường.
Xây dựng hệ thống quan trắc tự động hóa để phát hiện
Trong những giải pháp được đưa ra để cải thiện tình trạng bất cập ở các KCN như trên, việc xây dựng mô hình KCN sinh thái vẫn còn khá mới nhưng là một hướng đi triển vọng.
Tháng 10/2009, Vườn công nghiệp Bourbon An Hòa, mô hình KCN thân thiện với môi trường đầu tiên đã được khởi công xây dựng tại Tây Ninh.
Các nhà máy trong Vườn công nghiệp sẽ phối hợp tái sinh, tái chế, tái sử dụng các loại sản phẩm phụ của nhau. Nhà máy xử lý nước thải có công suất dự kiến 40.000 m3/ngày. Nước thải sau khi được xử lý sẽ được dẫn vào các dòng kênh nội bộ dùng để nuôi trồng các loại vi sinh vật.
Các KCN sinh thái là giải pháp lâu dài, bền vững cần hướng tới, tuy nhiên, trước mắt cần bắt buộc các trạm xử lý nước thải tập trung của các KCN phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, giám sát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường.
Theo Phó giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường, Hoàng Dương Tùng, nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xả thải rất tinh vi, xây xong rồi che lấp nên rất khó phát hiện. Một trung tâm gồm hệ thống quan trắc nước thải tự động sẽ xử lý được gian lận này.
Theo đó, hàng ngày doanh nghiệp phải báo cáo khối lượng nước thải, trong khi hệ thống quan trắc tự động sẽ giúp cơ quan giám sát môi trường cập nhật trực tiếp các số liệu ô nhiễm từ các khu công nghiệp 24/24 với các số liệu “online”.
Sắp tới, Bình Dương, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, sẽ có nhiều hệ thống quan trắc tự động được xây dựng. Ngoài ra, một hệ thống đường dây nóng sẽ được thiết lập để người dân cung cấp thông tin về các doanh nghiệp gây ô nhiễm tới cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý triệt để cũng sẽ được áp dụng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, hiện đã có đủ hành lang pháp lý để xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường. Nếu các KCN, các doanh nghiệp không sớm chấm dứt việc xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ phải đối mặt với những biện pháp xử lý nghiêm khắc của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để trong thời gian tới khởi tố một số vụ gian lận đổ xả chất thải nguy hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.