Xuất bản bưu thiếp tưởng nhớ tê giác

ThienNhien.Net – Một tấm bưu thiếp Tê giác, với kích thước 13cm x 18cm vừa được Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) xuất bản để tưởng nhớ sự kiện con Tê giác một sừng chết tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đây cũng là một hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về bảo tồn Tê giác và các loài nguy cấp khác.


Tê giác ở VQG Cát Tiên không chết tự nhiên

6/7 voi rừng bị chết do ngộ độc

Tấm bưu thiếp này đang được phát rộng rãi, miễn phí cho độc giả báo Khăn Quàng Đỏ, báo Rùa Vàng… học sinh Trung học cơ sở và bất cứ ai quan tâm.

Những ý kiến phản hồi về bưu thiếp sẽ được ghi nhận và sử dụng để xuất bản bưu thiếp Voi, nhằm tưởng nhớ 7 con voi rừng chết tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai (theo các nhà khoa học, Việt Nam chỉ còn khoảng 100 con voi ngoài thiên nhiên).

Cùng với bưu thiếp Tê giác và bưu thiếp Voi, thông tin về Hổ và Gấu cũng sẽ được thể hiện trong các tấm bưu thiếp Hổ và Gấu, được xuất bản vào giữa tháng 6, năm 2010.

“Không chỉ Tê giác, khoảng 400 loài động vật hoang dã khác ở Việt Nam cũng đang bị đe dọa và cần được bảo vệ. Chúng ta cần hành động ngay, trước khi các loài động vật khác chịu chung số phận như loài Tê giác ở Việt Nam. Bưu thiếp là món quà của Tổ chức WAR với hy vọng công chúng và những người ra quyết định quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ động vật hoang dã nói chung và bảo tồn Tê giác một sừng nói riêng” – ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc điều hành Tổ chức WAR cho biết.

Đầu tháng 5, xác một con Tê giác một sừng đang phân hủy được tìm thấy tại Vườn Quốc Gia Cát Tiên, với một viên đạn ở chân trước bên trái và dấu hiệu sừng bị cưa. Con Tê giác đã chết vài tháng trước đó và không ai biết nguyên nhân. Một cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm tìm ra nguyên nhân cái chết của Tê giác. Mẫu gen (ADN) Tê giác cũng đang đựợc các nhà khoa học phân tích nhằm tìm hiểu thêm về con tê giác chết. Kết quả phân tích gen (ADN) cũng có thể cho biết liệu đó có phải là con Tê giác cuối cùng ở Việt Nam hay không. Theo các nhà khoa học, khả năng con Tê giác bị bắn rất cao. Nhiều nguời cũng cho rằng đó là con Tê giác cuối cùng ở Việt Nam.

Phụ loài Tê giác Java (Rhinoceros sondaicus annamiticus) này chỉ phân bố tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Việt Nam. Một phụ loài khác phân bố ở Indonesia với khoảng 40 – 60 cá thể. Nếu con Tê giác chết là con Tê giác cuối cùng ở Việt Nam, một phụ loài Tê giác Java đã bị tuyệt chủng trên toàn thế giới.