Tăng trưởng xanh là tất yếu

ThienNhien.Net – Tăng trưởng xanh đã không còn là một vấn đề để các quốc gia lựa chọn mà là vấn đề nhất thiết phải thực hiện. Ngày 07/06, tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 (WEF Đông Á 2010) tiếp tục với phiên toàn thể bàn về vấn đề “Làm thế nào để các nước châu Á thúc đẩy công nghệ xanh trong khu vực”.


Tham gia phiên họp này có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường các nước Việt Nam, Hàn Quốc cùng lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia như Metro, Dupont, GE.

Tăng trưởng xanh: Tăng trưởng bền vững

Được đánh giá là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, với tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh, nhưng châu Á cũng đồng thời là khu vực dễ bị tổn thương trước những biến đổi của khí hậu, ô nhiễm môi trường. Do đó, vấn đề tăng trưởng xanh – tăng trưởng bền vững trong phát triển kinh tế được đặt ra với tất cả các quốc gia châu Á.

Một số nước châu Á đã bắt đầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế để hướng đến tăng trưởng xanh qua việc giảm khí thải và tiết kiệm năng lượng như Hàn Quốc, Nhật Bản. Một số các nước khác đã đưa ra nhiều cam kết về việc giảm khí thải, chuyển giao công nghệ xanh…

Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Yoon Jong Soo cho biết, năm 2008 trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nước này đã đầu tư 30 tỷ USD vào chiến lược tăng trưởng xanh như là một gói kích cầu, với các dự án cụ thể thân thiện với môi trường. Kết quả là năm 2009, Hàn Quốc đã có tốc độ tăng trưởng dương, năm 2010 kỳ vọng vào mức tăng trưởng 5% và tin là đã vượt qua khủng hoảng.

Theo đó, Hàn Quốc sẽ tiếp tục các chiến lược mới về tăng trưởng xanh, thực hiện mục tiêu cắt giảm 30% khí CO2 vào năm 2020. “Tăng trưởng xanh không phải là một lựa chọn mà là vấn đề chúng ta phải thực hiện, một hướng phát triển mới”, ông Yoon Jong Soo nhấn mạnh.

Còn đối với Việt Nam, được dự báo là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vấn đề tăng trưởng xanh lại càng trở nên cấp thiết hơn.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Thái Lai cho biết: Chính phủ Việt Nam đã có chương trình, lộ trình thực hiện ngắn hạn, dài hạn nhằm đối phó, thích ứng với các thay đổi và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các chương trình này được xây dựng với sự tham gia của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong nước cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Hưởng ứng của các doanh nghiệp

Không chỉ các chính phủ châu Á, nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư ở châu Á, trong đó có Việt Nam, cũng đang hướng tới phát triển xanh, qua các cam kết về giảm khí thải, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất kinh doanh, đồng thời đưa ra thị trường nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tập đoàn Metro của Đức sử dụng năng lượng tương đương với một thành phố 500.000 dân đã đưa ra chủ trương tiết kiệm năng lượng ngay từ hành vi của 290.000 nhân viên và dần dần đưa năng lượng mặt trời vào sản xuất kinh doanh.

Tập đoàn GE của Hoa Kỳ đầu tư trên 5 tỷ USD mỗi năm cho việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho thị trường.

Các doanh nghiệp đều mong muốn chính phủ các nước châu Á chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững bằng những chính sách, động thái khích lệ cụ thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các công nghệ xanh, sản phẩm xanh.

Chủ tịch Công ty Dupont Asia Pacific (Nhật Bản) Carl Lukach đưa ra nhận định: “Đông Á sẽ phát triển hơn nữa nếu hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững bằng những mô hình tăng trưởng xanh”.