Loạn “thực phẩm bẩn”

ThienNhien.Net – Vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động đỏ trên phạm vi cả nước. Tất cả đều xuất phát từ chữ “lợi” của nhà sản xuất và nhà cung cấp, còn người tiêu dùng vẫn buộc phải dùng “thực phẩm bẩn”, thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh.

Trong bài phân tích của mình về hoá chất “ngoài luồng” trong thực phẩm đăng tải trên Công an nhân dân số ra ngày 06/06/2010, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Bình (Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã “chỉ mặt điểm tên” nhiều loại hoá chất được đưa vào bữa ăn hàng ngày theo 3 công đoạn, gây nguy hại cho con người.

Theo đó, công đoạn đầu tiên xảy ra trong quá trình sản xuất. Để nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi trong quá trình sản xuất, các nhà khoa học thường sử dụng các công nghệ sinh học làm đột biến gene. Tuy nhiên, công nghệ biến đổi gene quá tốn kém và phức tạp đối với những nhà sản xuất/cung cấp nhỏ lẻ nên họ quyết định lựa chọn phương pháp rẻ và nhanh: Dùng hoá chất không cho phép với liều lượng không thích hợp như ethrel, NAA, ethephone, thậm chí cả thuốc diệt cỏ 2,4D (một thành phần tạo nên chất độc da cam điôxin), diethylstipestrol – loại thức ăn siêu đạm dành cho động vật…

Loại thức ăn có chứa diethylstipestrol ở liều lượng cao có thể gây vô sinh cho người sử dụng. Bên cạnh đó, các loại thuốc kháng sinh liều cao, không đúng quy chuẩn được sử dụng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy hải sản không tiêu hoá hết và tồn đọng trong thịt cá khiến cho các protein chuyển hoá thành histamins gây tác động lên thần kinh và chứng nhờn thuốc cho người thường xuyên sử dụng loại thực phẩm này. Tương tự như việc đưa melamin vào sữa nhằm tăng chất đạm khiến người sử dụng bị sỏi thận, suy thận, gây ung thư bàng quang và ảnh hưởng đến sinh sản.

Sử dụng hoá chất trong bảo quản và chế biến là công đoạn thứ 2 khiến hoá chất “ngoài luồng” được đưa vào bữa ăn và xâm nhập vào cơ thể người. Nhằm kéo dài thời gian bảo quản, nhiều người bán không ngần ngại sử dụng các hoá chất độc hại có nguồn gốc công nghiệp như carbendazim (gây rối loạn hệ nội tiết), hoá chất có gốc clo, peroxit (có tác hại đến hệ thần kinh, gây ung thư…), chất 2,4D (chống nấm, chống oxy hoá, chống vi khuẩn…) … nhằm làm hoa quả, rau tươi lâu và giữ màu sắc không đổi. Thịt cá thì thường được sử dụng phân bón urê bảo quản nên khi ăn phải, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng thần kinh, gây mất trí nhớ. Còn hàn the được sử dụng nhằm tăng độ dai, giòn và không bị ôi thiu của bún miến, giò chả…khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ phá huỷ thận, gan, ruột, da.

Một công đoạn thứ ba rất phổ biến nhằm thu hút người tiêu dùng là tạo vẻ bắt mắt cho thực phẩm. Người ta sử dụng các chất màu công nghiệp độc hại, rẻ tiền thay cho phẩm màu nguồn gốc tự nhiên có giá thành cao.

Thị trường hiện tràn lan các mặt hàng, rất nhiều loại không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng nên cảnh giác và cố gắng tiếp cận các mặt hàng có xuất xứ. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần kiên quyết hơn trong công tác đấu tranh ngăn chặn và loại bỏ “thực phẩm bẩn”.