Phát hiện 9 loài cá có "tay”

ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Austrailia mới ghi nhận thêm 9 loài cá có "tay” (handfish), con số gần gấp 3 lần số loài đã được biết đến. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành bảo tồn. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cũng lo lắng rằng, loài cá “đi bộ” dọc đại dương của Australia này đang biến mất nhanh như tốc độ phát hiện chúng vậy.


Những loài mới này đã được các nhà nghiên cứu của CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng Chung của Australia) mô tả trong báo cáo về các loài cá thuộc họ cá có “tay”.

Nghiên cứu này về loài cá này đến nay đã ghi nhận 14 loài, trong đó có 6 loài chỉ có ở vùng đảo Tasmania của Australia và một loài chỉ được biết đến từ một mẫu vật do các nhà thám hiểm đầu tiên của châu Âu thu thập.

Đây là loài cá nhỏ, thường có màu sắc sặc sỡ nổi bật và là loài không di trú. Không bơi bình thường như các loài cá khác, loài này thường “đi” trên đáy biển bằng những cái vây trông giống những cánh tay.

Năm mươi triệu năm trước, chúng “đi lại” khắp các đại dương trên thế giới nhưng hiện chỉ còn ở phía đông và nam Australia.

 Cá có tay
Loài cá có “tay” màu đỏ đang bị đe dọa tuyệt chủng vì thay đổi môi trường sống và nạn săn bắt (Ảnh: CSIRO)

Tiến sĩ Peter Last của CRSIRO cho biết do sự giới hạn về số lượng quần thể, sự phân bố rời rạc, tỷ lệ sinh sản thấp và khả năng phân tán kém, loài cá này vô cùng dễ tổn thương trước sự thay đổi môi trường sống như ô nhiễm, bồi lắng, đánh bắt, nhiệt độ nước biển tăng và hoạt động phát triển ven bờ.

Theo các nhà khoa học, chín loài mới được phát hiện có số lượng rất hạn chế.

Nghiên cứu này đang được giới thiệu đến công chúng thông qua một triển lãm ảnh về đa dạng sinh học biển của Australia tổ chức tại thủ đô Canberra.

Theo Nic Bax, Giám đốc Trung tâm Đa dạng Sinh học, triển lãm là một cơ hội tuyệt vời để mọi người biết tới vẻ đẹp cũng như những thách thức của thế giới đại dương bao la Australia.