ThienNhien.Net – Khi những cơn mưa loi thoi đầu mùa làm nhú lên những mầm sống mới cho rừng cũng là lúc Tây nguyên vào mùa săn bắn. Qua rồi cái thời hãy còn những định chế ứng xử với thiên nhiên, bây giờ mọi móng vuốt của sự tàn nhẫn đang công khai nhằm vào bầy thú…
Người thợ săn hoài cổ
Khuôn trăng 14 nhuốm hơi sương ngả sang màu sữa loãng, rừng vẫn hầm hập nóng. Mùi tro quyện với mùi nắng vương xộc lên khô rát cả đầu chót lưỡi. Trận cháy rừng mới tràn qua lúc chiều. Ngọn lửa âm ỉ trong thân cây mục chốc chốc lại hực lên, thấp thoáng qua làn cây tựa con mắt đóng đèn đỏ khé…
Tôi cố nén hơi thở nóng rát, dò dẫm bước theo Oét. Trái với sự nôn nóng bạc nhược của tôi, Oét vẫn từng bước êm ái, chắc nịch. Ngọn đèn pha gắn trên mũ bình thản rỉa rói từng khoảng tối… Đã bao lần cây súng cạc bin nhướng lên rồi lại hạ xuống. Những con thú nhép bỏ không bắn. Anh đang cố tìm một con mang để đủ đãi đám bạn đang chờ…
Trong đám thợ săn gạo cội ở Gia Lai, Oét chưa phải là tay nức tiếng nhất nhưng cũng đủ để đám bạn săn nể phục. Vào tuổi 14 –15 Oét đã theo chân các thợ săn trong làng và cũng ở cái tuổi đó anh đã dám đi săn một mình. Cái vốn săn bắn dân gian được rèn thêm tài thiện xạ trong suốt mấy năm là bộ đội khiến người ta tin chắc rằng đã xách súng vào rừng là chẳng mấy khi Oét về không… Ấy thế nhưng Oét lại tỏ ra không đam mê công việc sát thú này cho lắm. Chỉ những khi bạn bè thật thân rủ anh mới đi. Đặc biệt chưa bao giờ anh lạm dụng tài săn bắn của mình để trục lợi. Là người Jrai, có lẽ lối ứng xử có tình với tự nhiên trong anh vẫn chưa mất.
Câu chuyện đi đường của anh đã khiến tôi được mở mang thêm nhiều về những quy ước trong săn bắt thú rừng của đồng bào địa phương…
Chẳng lâu lắc xa xăm, mới cách nay chừng mươi năm thôi, người Tây nguyên vẫn có thói quen đi săn tập thể. Tập thể ở đây có thể là một làng nhưng cũng có khi tới hai, ba làng – tùy theo đàn thú mà họ đoán định. Biết được nơi ẩn nấp của chúng rồi người ta bắt đầu khoanh vòng, dùng mõ, nồi niêu khua dồn chúng lại. Khi vòng rào cây rừng đã thít chặt được bầy thú, những người có kinh nghiệm nhất, dũng cảm nhất sẽ được lựa vào vòng trong. Mỗi người cầm một cây le dài, vót nhọn làm vũ khí. Với những loài hiền lành như nai, mang thì chẳng có gì đáng sợ. Nhưng với những loài hung dữ như heo rừng, nếu không có kinh nghiệm cũng có thể mất mạng như chơi…
Đó là những cuộc đi săn đầy hấp dẫn nhưng cũng hồi hộp đến ngộp thở. Trong tiếng mõ, tiếng kêu la xé rừng của bầy thú lồng lộn như điên dại để tìm lối thoát, người ở vòng trong phải tự mình lựa chọn cơ hội để diệt chúng. Nhưng bất luận là cơ hội nào thì những con thú nhỏ, những con thú mang thai nhất thiết phải để lại. Khi lượng thú bị giết áng chừng đã đủ chia, già làng sẽ cất tiếng hú ra hiệu dừng tay. Hàng rào sẽ được mở ra cho bầy thú thoát…
Giết thú chỉ vùa đủ ăn là một quy ước, nên dân làng không bao giờ giết thú dự trữ để ăn dần và không bao giờ giết cả bầy thú – dù bầy thú chỉ có một vài con… Thế nên trong lễ cúng sau mỗi cuộc đi săn, già làng bao giờ cũng “cắt nghĩa” với Yang rằng “Chúng tôi chỉ xin Yang vừa đủ. Nếu giết hết giống của Yang, xin Yang hãy cứ trừng phạt chúng tôi.”
Người thợ săn xưa kia dù giỏi mấy cũng chỉ được giết một số lượng thú nhất định. Vượt quá số lượng đó thì tự giác không đi săn nữa. Và với người dân tộc bản địa, có những loài thú không bao giờ họ đụng đến, chẳng hạn loài khỉ. Ngoài ra một số dòng họ còn kiêng những con “vật tổ” của mình như nhím, tê tê…
… Tiếng súng vang lên bất chợt làm tôi giật nẩy mình. Sau phút định thần, tôi lao theo Oét. Một con mang cái duỗi bốn chân nằm bất động, lưỡi thè ra như đang quờ ngọn cỏ. Đôi mắt trong veo vẫn mở một cái nhìn ai oán…
Những nẻo đường sát thú
Con suối cuối mùa khô chỉ còn đọng lại những vũng nước đầy rêu. Dẫu sao thì kiếm được chỗ có nước giữa rừng khoọc cũng đã may mắn lắm. Cả đám người xắng xở chuẩn bị cuộc nhậu. Họ là đám thợ săn ở xã Ia Chia (*) này, hôm qua cũng đi săn nhưng không được gì. “Trăng sáng quá mà cũng do mới bắn được con heo to, uống say quá không đi nổi” – Một thanh niên béo ú, đen trũi tên là Bin vừa xẻ thịt mang bằng những đường dao điệu nghệ vừa kể cho tôi nghe.
Chỉ khoảng mươi hôm nữa, khi những lớp cỏ non đầu tiên nhú lên sau những trận cháy rừng, khu vực phía Bắc Ia Chia và một vệt rừng khoọc gần biên giới sẽ trở thành những bãi săn đông đúc. Dân tận các xã cách xa 40, 50 km cũng tìm đến. Họ đi thành từng tốp có khi tới hai, ba chục người. Đấy là những cuộc đi săn gần như nguyên thủy. Một con chó với cây cuốc, cây nỏ, họ có thể săn bất cứ thú gì bắt gặp. Người có sức thì đào dúi. Người yếu sức thì rình bắn sóc, kỳ đà…
Cũng có lúc lang thang vài ba ngày trong rừng, đói khát đến lả người mà chẳng được con gì nhưng họ vẫn cứ đi. Với đồng bào dân tộc, hình như mùa săn đến là mùa trỗi dậy cái thú được hòa mình vào thiên nhiên hoang dã của họ. Sự tính toán hơn thua kiểu thượng mại, họ dường như không để tâm. Đi – đơn giản chỉ là để thỏa cái phản xạ của con người rừng núi – vậy thôi!
Kiểu đi săn nguyên thủy ấy dẫu gì thì cũng chỉ sát thú bậc thấp. Sát thú kiểu thương mại mới là điều đáng nói. Bin đã cho tôi hình dung cái khung cảnh sát thú ấy thế nào… Vào mùa cao điểm, chỉ riêng bãi săn ở Ia Chia này có hôm tụ tập đến cả hai chục tay súng. Người ta gọi lóng những cuộc sát thú ấy là “đi chợ”. Thôi thì đủ. Hiện đại thì AK, CKC; cổ điển thì súng kíp, calipđui… Đặc biệt cái thứ calipđui cổ lại được ưa thích hơn cả. Súng bắn đạn chùm, đã bắn là khó con nào chạy thoát; đạn lại dễ mua mà rẻ, chỉ cần được con kỳ đà nhỏ cũng huề vốn.
“Chu cha, lúc ấy anh chẳng vào đây mà xem. Xe cộ rầm rầm, đèn pha quét sáng rừng. Có những người “ăn thua” cả tháng trời trong rừng, tàn sát bất kỳ loại thú nào họ gặp, chỉ trừ cọp (Rừng này có một con cọp, nhưng cứ đà này chẳng biết số phận nó còn kéo dài được bao lâu nữa). Được thú lớn thì về, được thú nhỏ thì họ mổ ruột, ướp phoocmôn, đào hố giấu rồi đi tiếp. Họ nắm “lý lịch” từng con thú lớn ở rừng này, có khi thuê cả người địa phương dẫn đi tìm…”
“Họ” là những ai thế? Bin cười ma mãnh phô cả hàm răng sún: “Ai mà biết được, nhưng có cả cán bộ đấy”. Ngừng một lát, Bin chép miệng: “Bây giờ người ta đi săn nhiều cũng phải thôi, “có ăn” quá mà. Một con mang vừa vừa cũng đã hơn triệu. Heo rừng thì cứ mỗi kí 180 ngàn. Con kỳ đà bằng cổ tay cũng gần trăm ngàn… Đó là chỉ mang đến các bà buôn trong làng thôi nhé. Ra đến Plei Ku thì cứ là gấp đôi. Buôn thú rừng bây giờ là “siêu lợi nhuận” nên các quán còn đặt cọc cả tiền trước nữa”…
Săn bắn bây giờ hóa ra là phương tiện kiếm sống với cả đồng bào dân tộc nữa. Chuyện của Oét kể chỉ để mà hoài cổ. Lối ứng xử có tình với tự nhiên xưa kia của ông bà đã chết bởi hiện thực trần trụi trước mắt – nói như Bin: “ Yang mà phạt thì bọn đi săn bằng “súng nhà nước” kia chắc chết hết rồi!”
Thú rừng hết chốn bình yên
Tây Nguyên bây giờ là nơi cung cấp thú rừng chính yếu cho “thị trường” cả nước. Chẳng còn khu rừng nào gọi là an toàn cho các loài thú ẩn nấp. Ngay như vườn Quốc gia Chư Mom Ray mà nạn săn bẫy trộm thú rừng cũng diễn ra như cơm bữa…
Ông Hồ Ngọc Thanh – Giám đốc Vườn cho biết mỗi năm Vườn thu giữ đến hàng ngàn bẫy của giới săn thú trộm. Cơ chế ta còn nhiều kẽ hở, cán bộ bảo vệ Vườn đi tuần, biết họ vào rừng chỉ để đặt bẫy thú nhưng không bắt được quả tang thì không thể xử lý…
Mới chỉ trong tháng 3-4/2010 Gia Lai đã bắt giữ 6 vụ buôn bán động vật rừng. Song, tất nhiên đấy chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Người ta ước tính hàng năm trên địa bàn Tây nguyên, lượng thú rừng bị tàn sát phải đến vài trăm tấn. Chỉ riêng một thành phố Plei Ku, mỗi ngày cũng đã tiêu thụ cả tấn thịt thú rừng… Khách đến Tây nguyên đi nhậu bao giờ cũng tìm trước hết món đặc sản thú rừng. Thịt thú rừng bây giờ đã trở thành một thứ mặt hàng kinh doanh “siêu lợi nhuận” nên từ nhà hàng lớn cho đến các quán nhậu lẻ, gần như ở đâu cũng có thịt rừng. Quán đặc sản thú rừng mọc lên như nấm. Ngay dọc đường Phạm Văn Đồng, Lê Lợi – những con đường lớn nhất Plei Ku thịt thú rừng vẫn được bày bán công khai.
Các ngành chức năng biết đấy nhưng… cứ coi như là không biết. Mà biết thì làm sao nếu khách nhậu lại… chủ yếu là cán bộ? Đã có thời ở Gia Lai người ta ra quy định cấm cán bộ, công nhân viên ăn thịt thú rừng nhưng có lẽ không ai dám đi bắt “cán bộ” và chẳng ai dại xưng mình là “cán bộ” nên luật của “những người thích đùa” đã lặng lẽ trôi vào dĩ vãng!
Dân gian xưa có câu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Nước mắt của ai hay chính của núi rừng đang than vãn?!
(*) Một xã thuộc Ia Grai, huyện phía Tây của tỉnh Gia Lai.