Đầu độc môi sinh, tự hại mình – Kỳ cuối

ThienNhien.Net – Do hoạt động xả thải chưa qua xử lý ra môi trường của các nhà máy sản xuất giấy, môi trường ở thôn Tam Tảo đã bị ô nhiễm nặng nề, không khí ngột ngạt khó thở và rác thì ngập ngụa nhiều nơi, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi chờ đợi các giải pháp "không biết đến bao giờ" của chính quyền, người dân buộc phải lựa chọn giải pháp tình thế để sống chung với ô nhiễm.


Đầu độc môi sinh, tự hại mình – Kỳ 2

Đầu độc môi sinh, tự hại mình – Kỳ 1

Âu lo sống giữa chập trùng ô nhiễm

Chỉ riêng các chất thải do đốt than phục vụ hoạt động của các nhà máy tái chế giấy ở các Phú Lâm đã rất đáng quan ngại.Theo Báo cáo Môi trường Quốc gia 2008 – Môi trường làng nghề Việt Nam, hoạt động tái chế giấy ở Phú Lâm mỗi năm sử dụng 3.430 tấn than, thải vào môi trường 31,21 tấn bụi; 1,03 tấn khí CO; 36,77 tấn khí SO2 và khoảng 29,98 tấn khí NO2.

Tuy nhiên, đến nay: “Thôn Tam Tảo cũng như tại xã Phú Lâm chưa có một cuộc điều, thông kê đầy đủ tình hình ô nhiễm nước mặt, nước ngầm cũng như các loại bệnh tật mà người dân bị mắc trong khoảng chục năm nay. Trong khi đó, rất nhiều người dân thôn Tam Tảo, đã phản ánh vấn đề này và xã cũng đã phản ánh lên huyện từ lâu” Ông Nguyễn Tiến Văn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Lâm cho biết.

Trong khi đó, nguồn nước ngầm ở đây đã bị thay đổi nhiều về chất. Nếu những năm 1994 – 1995 các giếng khoan do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tài trợ cho địa phương chỉ ở độ sâu 30 – 34m đã cho nguồn nước trong sạch, thì nay nhiều gia đình đã phải khoan giếng sâu từ 60 – 70m mới có nguồn nước tạm dùng được.

Nhưng từ đầu những năm 2000, nguồn nước từ các giếng khoan đó cứ cạn dần, rồi xuất hiện màu vàng, có cặn, có giếng còn có vị tanh khó chịu. Không có nguồn nước nào khác thay thế, người dân đành phải khoan giếng sâu hơn nữa và tự lọc nước.

“Mấy năm nay, người dân lo ngại nguồn nước ngầm có chất sắt, asen và sợ mắc các bệnh như ung thư, hay các bệnh đường hô hấp do ô nhiễm không khí gây ra nên họ đầu tư mua máy lọc nước về sử dụng, với giá 2.700.000 đồng/máy. Không chỉ riêng người dân thôn Tam Tảo, mà ngày càng có nhiều gia đình ở thôn khác cũng phải mua máy về lọc nước về dùng” – ông Văn cho biết.

Nhà ông Nguyễn Tiến Văn ở gần trụ sở Ủy ban nhân dân xã, cách thôn Tam Tảo hơn 1km, nhưng ông cũng mua máy lọc nước về dùng, vì theo ông, nước giếng khoan giờ đã không được sạch như xưa, ở tầng nông thì nước ngả dần màu vàng, có cặn, khoan sâu hơn thì nước trong hơn nhưng vẫn có vị tanh”.

 
Ao Sen ngập ngụa rác. (Ảnh: Phương Nhung)

Môi trường làng nghề đang bị thả nổi?

Năm 2009, xã Phú Lâm đã phải trích ngân sách 40 triệu đồng để gia cố và nâng cao bờ ao Sen thôn Tam Tảo (vị trí được quy hoạch làm nơi xử lý nước thải chung của khu công nghiệp từ năm 2007 nhưng nay vẫn chưa thực hiện được) để đảm bảo rằng nước từ ao sen đang ô nhiễm trầm trọng này không tràn xuống ruộng, nhất là sau những trận mưa lớn. Tuy nhiên, những động thái như vậy chỉ là giải pháp tình thế và manh mún. Thực trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thôn Tam Tảo xã Phú Lâm nhức nhối bao năm nay hiện vẫn đang phải chờ đợi hướng khắc phục triệt để.

Người dân ở các làng nghề Tam Tảo hay Dương Ổ dẫu có bất bình với những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thì phần lớn họ vẫn “sống để bụng” vì ít nhiều quyền lợi của họ cũng gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp. Còn với những người dân ở địa phương khác, như xã Vạn An – xã cuối nguồn của sông Ngũ Huyện Khê – họ đã phản ánh rất nhiều lên các cơ quan chức năng về thực trạng ô nhiễm mà họ phải hứng chịu, song nguyện vọng của họ chỉ như “gió du ngọn tre”.
 
Đến giờ, họ chỉ biết than trời: “Phía thượng nguồn các xã Phong Khê, Phú Lâm họ cứ vô tư xả thải độc ra sông, còn chúng tôi ở phía dưới này phải gánh chịu mọi hậu quả. Dưới dòng nước đen đặc bốc mùi kia, có cá tôm nào sống được và người làm nông nghiệp chúng tôi làm sao dựa vào đó để sinh sống đây” – bà Ngô Thị Liên, người dân bán hàng ở gần khu vực cầu Cống Tây, thôn Đương Xá, xã Vạn An, thành phố Bắc Ninh –  bức xúc.

Chính quyền địa phương cấp xã, suy cho cùng, cũng là người phải hứng hậu quả từ việc ô nhiễm trên địa bàn, đến nay chỉ biết thừa nhận một thực tế: “Nhiều doanh nghiệp không có ý thức bảo vệ môi trường. Khi xin phép hoạt động, họ liệt kê rất chi tiết và đầy đủ quy trình xử lý chất thải. Nhưng khi sản xuất thực tế thì họ bỏ qua tất cả, làm hệ thống xử lý rác/nước thải chỉ mang tính hình thức nhằm đối phó với cơ quan chức năng”.

Điều đáng nói là những gì ông Văn thừa nhận trên đây không chỉ tồn tại ở riêng trên địa bàn xã Phú Lâm mà ở rất rất nhiều làng nghề trên cả nước. Ô nhiễm môi trường làng nghề từ lâu đã là một câu chuyện dài, chưa có hồi kết.

Việc áp dụng hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi xả thải gây ô nhiễm như hiện nay đã không mang lại nhiều ý nghĩa cho môi trường. Số tiền vài triệu, thậm chí là vài chục triệu mà cơ quan chức năng xử phạt các doanh nghiệp sản xuất giấy ở xã Phú Lâm do xả thải gây ô nhiễm môi trường trong năm 2009 cuối cùng vẫn không thể giải quyết tình trạng ô nhiễm và giải tỏa nỗi lo về sức khỏe của người dân.

Song, phải phạt bao nhiêu cho đủ bù đắp tình trạng ô nhiễm đen đặc ở lưu vực sông Ngũ Huyện Khê, khiến ngay cả cỏ cây cũng bị chết dữa, hệ sinh thái lưu vực sông bị hủy hoại, đời sống người dân bị ảnh hưởng như hiện nay? Và trên cả nước còn biết bao nhiêu làng nghề đang phải chịu thảm cảnh tương tự?

Phải chăng, chính chế tài xử phạt của chúng ta đã khiến các doanh nghiệp cho rằng cứ “bức tử” môi trường tự nhiên, bị phát hiện thì nộp phạt là xong?

Năm 2008, khi khảo sát thực trạng sản xuất ở 52 làng nghề trên toàn quốc, trong đó có làng nghề sản xuất giấy Dương Ổ, xã Phong Khê và các doanh nghiệp sản xuất giấy ở xã Phú Lâm, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận 100% các làng nghề đều gây ô nhiễm môi trường ở mức độ khác nhau, trong đó 46% làng nghề gây ô nhiễm nặng đối với không khí, hoặc nước, hoặc đất, hoặc cả 3 dạng trên; 27% làng nghề gây ô nhiễm vừa và 27% gây ô nhiễm nhẹ.