ThienNhien.Net – Thực hiện, triển khai Đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội”, thời gian qua, việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đã được đẩy mạnh. Đặc biệt, các vấn đề nổi cộm như ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải trong chăn nuôi, trồng trọt hay các thông tin về Luật môi trường, các hoạt động, dự án về môi trường đã được cập nhật thường xuyên.
Chiều 03/06, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban về tình hình và kết quả triển khai đề án này.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2009, Sở đã kiểm tra 267 cơ sở sản xuất, Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Kết quả kiểm tra cho thấy đã có 256/267 cơ sở vi phạm về môi trường, đặc biệt là về xử lý nước thải công nghiệp. Trong đó đã xử lý phạt tiền hơn 1 tỷ đồng đối với 71 cơ sở, số còn lại hiện đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để ra quyết định xử lý và xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, Sở đã yêu cầu xây dựng trạm xử lý nước thải tại 2 cụm công nghiệp Từ Liêm và Phú Minh. Dự án xử lý nước thải tại Từ Liêm đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình thành phố duyệt trong thời gian tới.
Đối với xử lý chất thải rắn, đến quý IV/2010, thành phố sẽ khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ xử lý tái chế và ép để xuất khẩu tại Nam Sơn.
Hiện tại, Sở Xây dựng đang triển khai một số mô hình thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và phế thải xây dựng theo phương thức xã hội hóa phù hợp với đặc thù từng khu vực của thành phố như: khu xử lý rác thải Xuân Sơn – Sơn Tây, khu xử lý rác thải Núi Thoong, khu xử lý rác thải Đông Anh, khu xử lý rác thải Đan Phượng, khu xử lý rác thải Sóc Sơn giai đoạn 2.
Một số điểm tập kết để trung chuyển đất thải, phế thải xây dựng cũng đã được quy hoạch tại: Vân Nội – Đông Anh, Nguyên Khê – Đông Anh, Vĩnh Quỳnh – Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng.
Về chất thải rắn y tế, hiện đa số bệnh viện trên địa bàn thành phố vẫn xử lý theo phương pháp thu gom tập trung và ký hợp đồng với công ty môi trường để xử lý đốt tại Cầu Diễn. Thành phố đã giao cho Sở Công thương nghiên cứu và tổ chức thực hiện “Dự án xử lý chất thải nhựa y tế trên địa bàn thành phố” trong thời gian tới.
Cùng với chất thải rắn, nước thải y tế và nước thải làng nghề cũng là vấn đề rất được chú trọng. Trước mắt các bệnh viện và cơ sở y tế chưa có trạm xử lý nước thải sẽ tạm thời xây dựng bể thu gom nước thải bệnh viện, xử lý khử trùng bằng Cloramin B trước khi đổ ra cống chung của thành phố.
Về vấn đề này, Sở Y tế đang tiến hành khảo sát xây dựng “Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế cho 40 phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh trên địa bàn thành phố”.
Với làng nghề, Sở Công thương đang tiến hành dự án “Thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột dong”, nếu dự án này thành công sẽ xin ý kiến thành phố để tiếp tục nhân rộng ra các làng nghề khác.
Còn việc thí điểm xử lý ô nhiễm hồ, sau khi thử nghiệm tại 7 hồ đã thu được những kết quả khả quan, nước hồ trong hơn và giảm mùi hôi, chất lượng nước đã được cải thiện. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng cho 24 hồ đã kè bờ. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Đề án “Cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch” và Đề án “Quản lý bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai lưu vực sông Nhuệ”, đồng thời đã triển khai nạo vét sông Tô Lịch, sông Nhuệ.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng đề án “Chống ồn, chống bụi trên địa bàn thành phố”, hiện đang lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành trước khi trình UBND thành phố phê duyệt.
Sở Xây dựng cũng đang tập trung triển khai Quyết định số 55 của thành phố về ban hành “Quy định đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại thành phố Hà Nội”.
Liên quan đến việc giảm thiểu ô nhiễm không khí do bụi và khí thải giao thong, lực lượng thanh tra xây dựng, thanh tra giao thông các quận, huyện, thị xã đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc chống bụi ngay tại các công trường xây dựng, các bãi khai thác, trung chuyển cát, sỏi, các phương tiện vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng. Theo đó, sẽ xử phạt nặng đối với các trường hợp đổ đất thải, phế thải không đúng nơi quy định, làm rơi đất, phế thải trên đường.
Từ những công việc đã và đang tiến hành trên đây nhằm xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh đã chỉ đạo, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước về môi trường, tập trung thanh tra, kiểm tra và phạt thật nặng những trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm về Luật môi trường. Công tác tuyên truyền cần được quan tâm hơn nữa để vấn đề về môi trường không chỉ được phổ biến đến cấp quận, huyện, phường, xã mà còn về đến tổ dân phố, từng người dân. Các hoạt động đoàn thể về môi trường cần được triển khai tích cực hơn nữa.