ThienNhien.Net – Cán Cấu là một chợ phiên nổi tiếng ở vùng cao Tây Bắc được họp vào sáng thứ 7 hàng tuần. Không chỉ thể hiện một cách sâu sắc những nét văn hoá đặc trưng của các dân tộc sống ở vùng núi cao tại Việt Nam, Cán Cấu còn là một phiên chợ trâu đầy hấp dẫn với du khách.
Chợ trâu Cán Cấu họp vào sáng thứ 7 hàng tuần ở ngay chân dốc Cán Chư Sử, xã Cán Cấu (huyện Si Ma Cai). Xuất hiện tự phát cách đây khá lâu bởi người H’Mông và Giáy, chợ trâu Cán Cấu cung ứng nhu cầu mua bán trâu cày lẫn trâu đẻ của bà con nông dân trong vùng và cả thương lái mua bán trâu ở bên kia Trung Quốc sang và từ miền xuôi lên. Không chỉ có trâu, chợ cũng bán cả bò, ngựa nhưng số lượng rất ít và giá bán khá rẻ so với những nơi khác ở Lào Cai.
Chợ trâu Cán Cấu họp ở phía cuối chợ, trên một khoảnh đất trống rộng, ven đồi cạnh đường đi. Thông thường, ở mỗi phiên chợ trâu Cán Cấu, người dân mang đến chợ chừng 400-700 con trâu bò, giáp Tết có nhu cầu mua sắm thì bà con bán trâu bò nhiều hơn, có phiên gần 1.000 con trâu bò được dắt đến chợ.
Người mua trâu bò về chăn nuôi, cày kéo không nhiều mà chủ yếu là các thương lái ở các nhà máy chế biến thực phẩm dưới xuôi và trong nam ra.Vì thế, vào mùa khô đường sá không bị sạt lở thì xe ô tô mua trâu bò lên chợ khá nhiều, có khi hơn chục ô tô chở hàng.
Nhưng không phải ai mang trâu bò xuống chợ là bán được ngay, mỗi khi phiên chợ kết thúc chỉ một số ít trâu bò được bán. Nhiều người dắt trâu bò tới ba bốn lần xuống chợ mới bán được. Ấy thế mà dù có người mua lên tận nhà trả giá, người bán trâu cũng nhất quyết không bán đâu vì theo họ chỉ bán ở chợ mới đúng giá, có mặt bằng giá chung. Thế nên dù phải dắt trâu đi dắt về ba, bốn bận họ vẫn vui vẻ.
Có thể không bán được trâu ngay trong những phiên chợ đầu, nhiều người dân cũng không mất “công toi” dẫn trâu ra chợ nhờ vào nguồn thu từ việc cho du khách, nhất là “Tây balô” thuê trâu để cưỡi với giá 5000 – 10.000 đồng. Số tiền đó, theo những người nông dân chất phác, đủ để họ mua mấy bát thắng cố đãi bạn hay gia đình.
Với họ, đi chợ không chỉ vì nhu cầu mua bán, mà còn để giao lưu tình cảm. Đó cũng là một nét sinh hoạt văn hoá của người dân vùng cao.