Đầu độc môi sinh, tự hại mình – Kỳ II

ThienNhien.Net – Nếu như sông Thị Vải bị đầu độc chủ yếu bởi hệ thống ống ngầm xả thải chui của Công ty Vedan, thì dòng Ngũ Huyện Khê (tỉnh Bắc Ninh) lại bị “giết” một cách công khai bởi hàng chục, hàng trăm cơ sở sản xuất giấy ở lưu vực hạ du thuộc địa phận xã Phú Lâm và xã Phong Khê. Người dân than, cơ quan chức năng biết, doanh nghiệp thừa nhận… song dòng sông vẫn đang bị bỏ mặc cho "chết sặc" vì ô nhiễm.

Đầu độc môi sinh, tự hại mình – Kỳ I

Ngũ Huyện Khê – dòng sông chết

Sông Ngũ Huyện Khê khởi nguồn từ núi Tam Đảo, Vĩnh Phúc, đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh có chiều dài hơn 27km, bắt đầu từ xã Châu Khê (Từ Sơn). Con sông là một trong số những chi lưu của sông Cầu khi hòa mình vào dòng sông quan họ này tại xã Vạn An, thành phố Bắc Ninh.

Chảy qua địa phận xã Phú Lâm (huyện Tiên Du), xã Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), dòng sông này ngày nay được “tô màu” đen đặc vì ô nhiễm.

Mỗi ngày, các nhà máy sản xuất giấy từ Cụm công nghiệp Phú Lâm xả ra dòng sông hàng trăm mét khối nước thải chưa qua xử lý, vượt nhiều lần khả năng tự làm sạch của dòng sông theo chu trình tự nhiên.

Trên đoạn đê ngắn chừng nửa km, hàng chục ống nước thải đục xuyên thân đê găm thẳng xuống sông, ngày đêm “nhả độc”. Những đường ống nước thải như những chiếc bơm tiêm nối dài đầu độc sông. Nước thải ứ đọng lâu năm, kết tủa thành những mảng cặn lớn cỡ 30 – 50cm2, khiến cả khúc sông nồng nặc ô nhiễm.

Gây ô nhiễm môi trường nước sông Ngũ Huyện Khê còn có sự “đóng góp tích cực” của hơn 200 dây chuyền sản xuất giấy các loại của thôn Dương Ổ, xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, với hàng nghìn m3/ngày đêm.

Không chỉ nước thải, việc đổ và đốt rác thải rắn, chủ yếu là ni nông, dây điện…trên bờ đê, nơi giáp ranh 2 thôn Tam Tảo (xã Phú Lâm) và Dương Ổ (xã Phong Khê) còn gây ô nhiễm không khí nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân. Và những khi mưa xuống, nước mưa cuốn các tạp chất, hóa chất độc hại từ đống rác này chảy xuống sông, càng làm cho dòng sông không còn hi vọng hồi sinh.

 
Rác thải rắn phủ ngập bờ sông Ngũ Huyện Khê.


Hậu họa nhãn tiền – người dân gánh chịu

Đã chục năm nay, nguồn nước dòng Ngũ Huyện Khê qua thôn Tam Tảo đã không thể dùng cho sản xuất nông nghiệp. Nước tưới cho cánh đồng lúa thôn Tam Tảo phải dẫn từ các thôn thượng của dòng Huyện Khê, theo hệ thống kênh dẫn nội đồng.

Tuy nhiên, không phải năm nào nguồn nước lấy từ các thôn phía thượng nguồn cũng đảm bảo cho cây lúa thôn Tao Tảo. Ông Nguyễn Tiến Văn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Lâm cho biết: “Năm nay do thời tiết bất thường, nước sông Hồng và sông Đuống xuống thấp nên thượng nguồn sông Ngũ Huyện Khê không đủ cung cấp nước (một phần nước sông Ngũ Huyện Khê lấy từ sông Đuống) chúng tôi đã phải dùng máy bơm để bơm ngược nước từ hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê, đoạn qua thôn Tam Tảo để tưới cho đồng ruộng”.

Cực chẳng đã, người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm tưới cho lúa với tâm trạng lo lắng không yên: “Vẫn biết khi sử dụng nguồn nước này tưới cho lúa thì sẽ có những rủi ro nhất định về năng xuất nhưng trước nguy cơ cây lúa bị chết khô, chúng tôi không còn lựa chon nào khác là phải dùng nguồn nước ô nhiễm ấy” – Ông Văn trăn trở.

Được biết, khi sử dụng nước từ hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê đưa vào đồng ruộng thôn Tam Tảo, chính quyền xã Phú Lâm đã phải khuyến cáo bà con trong thôn tận dụng mọi nguồn nước khác có thể (như nước ao trong thôn) để tưới dưỡng cho lúa, với hi vọng làm giảm đi nồng độ ô nhiễm của nguồn nước tưới trước đó được bơm ngược lên.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, xóm Hạ Giang 2, thôn Tam Tảo cho biết: “Con sông này, từ lâu thôn tôi đã không lấy nước dùng vì ô nhiễm. Giờ các doanh nghiệp họ đổ nước thải ra đấy. Khi trời mưa lớn, nước thải từ các nhà máy trong cụm công nghiệp tràn theo xuống ruộng. Ruộng nào ở gần chỗ tràn nước thải thì lúa thường bị “lốp”, không được thu hoạch. Nhưng người trong xóm hầu hết làm công nhân ở đấy, nên chẳng ai kêu ca gì.”

Không những đe dọa nguồn nước mặt, hiện tượng dòng sông bị ô nhiễm nặng còn đe dọa ảnh hưởng tiêu cực đến mạch nước ngầm – nguồn nước sinh hoạt chính của người dân. Trong khi đó, nước ngầm cũng là nguồn cung cấp chính cho hoạt động sản xuất giấy ở đây, báo động tình trạng cạn kiệt nguồn nước trong tương lai.

Biến con sông quê hiền hòa hàng nghìn năm thành dòng sông chết chỉ qua vài chục năm phát triển công nghiệp, không ai khác chính người dân nơi đây đang phải chịu khổ, còn những người chịu trách nhiệm dường như vẫn đứng ngoài cuộc.  

Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2008 – Môi trường làng nghề Việt Nam trích nguồn từ Sở tài nguyên Môi trường Bắc Ninh cho biết: “Làng nghề tái chế giấy Dương Ổ và ở Cụm công nghiệp Phú Lâm là hai làng nghề có quy mô sản xuất lớn, mỗi ngày xả ra môi trường tổng lượng nước thải lên đến 3.500 m3/ngày đêm; thải vào nguồn nước mặt khoảng 1.450 – 3.000kg COD (lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ – PV) và khoảng 3.000kg bột giấy”.