Giao đất, giao rừng ở Quảng Nam còn nhiều khó khăn

ThienNhien.Net – Tám huyện miền núi của Quảng Nam có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 500 nghìn ha, chiếm gần 75% tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Nhờ vào lợi thế đó, sau gần 7 năm triển khai thực hiện, đến nay, công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư ở các huyện miền núi Quảng Nam đã bước đầu đạt được một số kết quả, song cũng bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.


Từ năm 2003, hai thôn Tống Cói thuộc xã Ba (Ðông Giang) và thôn 2, xã Trà Giác (Bắc Trà My) đã được tỉnh Quảng Nam chọn làm điểm giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ. Nhưng chỉ sau một thời gian phấn khởi và tích cực tham gia, những người dân nơi đây lại tỏ ra thờ ơ và không còn tha thiết với công việc này.

Lý giải về điều này, chính quyền hai địa phương trên cho biết, vướng mắc lớn nhất là nguồn kinh phí hỗ trợ quá thấp và không kịp thời; cơ chế hưởng lợi từ việc quản lý, bảo vệ rừng của người dân không cụ thể, rõ ràng, trong khi cuộc sống của họ lại gặp nhiều khó khăn.

Chính từ điều này, tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm rẫy trên diện tích đất rừng được giao cho cộng đồng dân cư quản lý đã xảy ra tại một số địa phương. Và dù nhiều thôn đã thành lập đội bảo vệ, quản lý rừng, song cũng vì nguồn kinh phí quá thấp nên hoạt động không hiệu quả.

Nhận định về những khó khăn này, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam còn cho biết, do trình độ dân cư còn hạn chế nên canh tác không hiệu quả và hầu hết mang tính tự phát. Hơn nữa, diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng được giao phần lớn lại xa khu dân cư, địa hình phức tạp, chưa có đường dân sinh cho nên người dân gặp khó khăn trong việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, một điểm yếu trong công tác giáo đất, giao rừng ở Quảng Nam là chưa chú trọng đúng mức đến công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức quản lý bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư.

Thiết nghĩ, để chủ trương giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý được triển khai có hiệu quả, tỉnh Quảng Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra, giám sát, đặc biệt cần tạo nguồn kinh phí hỗ trợ để người dân yên tâm quản lý, bảo vệ rừng.