6/7 voi rừng bị chết do ngộ độc

ThienNhien.Net – Theo thông tin tại cuộc họp sáng 1/6 giữa một số ngành chức năng và Công an tỉnh Đồng Nai, trong số 7 con voi chết tại Khu bảo tồn thiên nhiên di tích Vĩnh Cửu (Đồng Nai) có đến 6 con có khả năng bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật. Hầu hết số voi bị chết đều là voi cái hoặc voi con.


Chờ Dự án bảo tồn, voi chết dần

Kết quả giám định của Cơ quan điều tra Công an Đồng Nai cho thấy, trong bao tử của 6 voi chết đều có chất phốt pho, một chất có trong thành phần thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu nhận định, có khả năng vì tiếc của do voi phá mùa màng mà một số người dân đầu độc voi. Ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Đồng Nai cũng tiên đoán, nhiều khả năng người dân đã phun xịt thuốc lên vườn cây, voi vô tình ăn phải nên bị ngộ độc hoặc voi đã bị “cài” một loại thuốc cực độc.

Đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó Giám đốc Công an Đồng Nai, chủ trì cuộc họp đã yêu cầu Cơ quan điều tra phối hợp cùng kiểm lâm và Khu bảo tồn nhanh chóng làm rõ vụ việc.

Trao đổi thêm về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn hạn chế tình trạng voi chết hoặc bị sát hại, cần tìm biện pháp hòa giải mâu thuẫn xung đột giữa voi và người. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này khó có thể làm được vì lượng dân cư ở xung quanh vùng hoạt động của voi thường rất lớn (tại Đồng Nai, khoảng 925 hộ với 2.723 nhân khẩu sống gần vùng voi ở), không thể tiến hành di dân. Ngược lại, cũng không thể di dời đàn voi vì các diện tích rừng khác không đủ lớn và phù hợp để voi có thể sinh sống. Nếu cố tình áp dụng bài toán này, chúng ta sẽ sớm thất bại như đã từng làm ở Tánh Linh, Bình Thuận.

Theo nguồn tin từ Lao Động ngày 2/6, tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, năm 2007, voi bắt đầu phá nông sản nhưng mức độ chỉ trung bình. Năm 2008, xung đột đã tăng cao khi voi phá hoạt mùa màng, gây thiệt hại cho người dân gần 400 triệu đồng. Năm 2009, voi tiếp tục gây thiệt hại trên 476 triệu đồng. Tại xã Mã Đà, năm 2008 chỉ xảy ra 14 vụ thì sang năm 2009, số vụ voi vào tấn công đã tăng gần gấp 3 (44 vụ).