Vì tương lai bền vững cho lưu vực 3S

ThienNhien.Net – Lưu vực ba con sông Sê Kông, Sê San, Srê-pôk – còn gọi là lưu vực 3S – là một phần của hệ thống sông Mê Kông. 3S đóng góp khoảng 20% tổng lưu lượng và 15-40% lượng phù sa cho sông mẹ Mê Kông, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Biển Hồ (Tonle Sap) và Đồng bằng sông Cửu Long. Ba con sông bắt nguồn từ Tây Nguyên này đang đứng trước nhiều thách thức mới do nhu cầu phát triển kinh tế và đáp ứng năng lượng cho các quốc gia trong khu vực.

Hội nghị liên biên giới về lưu vực sông Sê Kông, Sê San, Srê-pôk – đang diễn ra từ ngày 31/5 đến 2/6/2010 tại Buôn Ma Thuột với sự tham gia của 100 đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ, phi chính phủ, cơ quan nghiên cứu … của các nước trong lưu vực 3S và các tổ chức quốc tế liên quan – được kỳ vọng là một trong những động thái tích cực của các quốc gia trong khu vực nhằm tìm tiếng nói chung trong mục tiêu phát triển bền vững và hài hòa lợi ích.

Hướng đến tầm nhìn chung nhằm sử dụng nguồn nước bền vững

Theo Ủy hội sông Mê Kông (MRC) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hai cơ quan đồng tổ chức sự kiện này, đây là một bước đi tiến đến tầm nhìn chung liên biên giới cho tương lai.

Lưu vực 3S là lưu vực của ba con sông Sê Kông, Sê San, Srê-pôk với diện tích 78.650 km2, trong đó 33% thuộc lãnh thổ Căm-pu-chia, 29% thuộc lãnh thổ Lào và 38% thuộc lãnh thổ Việt Nam. 3S là lưu vực xuyên biên giới lớn nhất của con sông mẹ Mê Kông. Hiện có khoảng 4 triệu người sinh sống trong lưu vực 3S, phần lớn trên diện tích thuộc Việt Nam (hơn 3 triệu người). Bên cạnh mức độ đa dạng sinh học cao, khu vực này cũng có nhiều nét đặc sắc văn hóa riêng với nhiều tộc người – hầu hết thuộc nhóm dân số nghèo nhất ở các quốc gia.

Ông Ian Makin, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á về quản lý nguồn nước cho biết: “Hội nghị này hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận của ADB trong việc tăng cường quản lý nguồn nước nhằm đảm bảo tất cả mọi người được dùng nước sạch để đáp ứng nhu cầu phát triển”.

Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng, việc nâng cao mức độ tiếp cận với kiến thức và tăng cường sự tham gia trong lập kế hoạch sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương hưởng lợi từ các chính sách sử dụng nguồn nước và các tài nguyên khác.

Ủy ban sông Mê Kông, cơ quan bị chỉ trích khá nhiều trong thời gian gần đây, cho rằng việc quản lý nguồn nước nếu được thực hiện một cách bền vững, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và gia tăng dân số của khu vực: “Hỗ trợ các bên liên quan để xây dựng một tầm nhìn chung cho lưu vực 3S nhằm đảm bảo công bằng xã hội giữa các quốc gia, thúc đẩy bảo vệ môi trường, mang lại một tương lai bền vững và an toàn về mặt kinh tế là mục tiêu mà MRC hướng đến cho khu vực này”, ông Jeremy Bird, Giám đốc điều hành của MRC nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Jeremy Bird cũng thận trọng cho rằng việc quyết định các lựa chọn phát triển cũng cần xét đến sự phụ thuộc rất chặt chẽ của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số nghèo vào nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên. Thức ăn và sinh kế cơ bản của họ phụ thuộc rất nhiều vào những nguồn tài nguyên này.

Kinh tế và môi trường – dùng dằng tiến thoái lưỡng nan

Dưới sức ép phát triển kinh tế, các quốc gia trong lưu vực đã và đang thực hiện nhiều dự án ở quy mô lớn, làm thay đổi một cách toàn diện hiện trạng sử dụng đất: giảm diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, gia tăng diện tích đất cho nông nghiệp và cây công nghiệp, mở lối rộng rãi cho đầu tư khai thác khoáng sản…

Hệ thống các nhà máy thủy điện trên lưu vực 3S
 

Hệ thống các nhà máy thủy điện trên lưu vực 3S

 

Thủy điện cũng đang trở thành một xu thế phát triển gây nhiều lo ngại cho các nhà môi trường và các cộng đồng địa phương. Những năm 1990, cả lưu vực chỉ có 4 đập thủy điện với tổng công suất chỉ có 883 MW. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại đã có 41 đập được lên kế hoạch xây dựng với tổng công suất gấp hơn 8 lần so với thời điểm những năm 1990.

Chính MRC cũng bày tỏ quan ngại về những tác động tiêu cực lên môi trường và xã hội từ các đại dự án phát triển ở các nước Lào, Căm-pu-chia và Việt Nam dù các dự án này có thể tạo ra nhiều cơ hội để đáp ứng nhu cầu năng lượng và tăng trưởng kinh tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lưu vực 3S, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì vựa cá Tonle Sap của Căm-pu-chia và vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh gia nhập và cạnh tranh toàn cầu về mọi mặt như hiện nay, khó có quốc gia nào chịu “ngồi yên” trong cuộc đua tăng trưởng kinh tế. Khoáng sản, thủy điện, lâm sản, đồn điền cây công nghiệp quy mô lớn… dường như là những lựa chọn hấp dẫn khó có thể chối bỏ dù các tác động lên môi trường, xã hội đã được tính đến. Chưa kể hiểm họa biến đổi khí hậu đang cận kề.

Trong khi đó, bất kỳ hoạt động phát triển của quốc gia nào trong lưu vực cũng liên quan và tác động qua lại đến các quốc gia láng giềng, đặc biệt là các quốc gia cuối nguồn. Nằm ở cuối nguồn Mê Kông, các quốc gia lưu vực 3S có lẽ thấm thía điều này hơn cả. Thêm vào đó, điều ấy dường như lại càng trở nên trớ trêu hơn trước những “nghịch cảnh tạo hóa”, vì nếu Căm-pu-chia là quốc gia ở phía thượng nguồn Mê Kông so với Việt Nam, nhưng lại là hạ nguồn của lưu vực 3S thì ngược lại, đồng bằng sông Cửu Long là hạ nguồn Mê Kông, song Tây Nguyên lại là thượng nguồn của 3S.

Nhưng cuộc đua tăng trưởng đã và đang diễn ra không ngừng. Dường như chưa có bên nào có ý định dừng lại, ngoái nhìn phía sau.

Hội nghị tại thành phố thượng nguồn 3S Buôn Ma Thuột có lẽ sẽ nhen thêm chút hy vọng về một cơ hội để các quốc gia cùng tìm ra những lựa chọn phát triển tốt nhất, bền vững nhất, mang lại lợi ích công bằng nhất cho các bên.

Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu mỗi quốc gia đều quan tâm đến lợi ích chung của cả lưu vực, đến lợi ích môi trường bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế.