“Thuốc lá và giới” – Thông điệp Ngày Thế giới Không thuốc lá

ThienNhien.Net – Thuốc lá và giới” – đó là thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới nhân Ngày Thế giới Không hút thuốc lá 31/05 năm nay. Theo đó, Ngày Thế giới Không Thuốc lá 2010 sẽ tập trung vào những tác hại của hút thuốc thụ động và tiếp thị thuốc lá đối với phụ nữ, đồng thời, hướng tới những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho nam giới, để họ thấy rõ trách nhiệm của mình và tránh hút thuốc gần phụ nữ ở công sở cũng như ở nhà.


Số liệu từ Chương trình Phòng chống Tác hại Thuốc lá Quốc gia (VINACOSH) cho biết, trong số trên 5 triệu ca tử vong hàng năm trên thế giới do thuốc lá, có khoảng 1,5 triệu ca xảy ra ở nữ giới. Nếu các biện pháp hiệu quả không được áp dụng từ hôm nay thì ước tính số tử vong do thuốc lá sẽ tăng lên hơn 8 triệu ca vào năm 2030, và khoảng 2,5 triệu ca trong số này sẽ là nữ giới. Khoảng 3/4 số ca tử vong ở nữ giới sẽ xảy ra ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, những quốc gia ít có khả năng nhất để đối phó với những mất mát này.

Ở một số quốc gia, nguy cơ sức khoẻ của phụ nữ không đến từ việc họ hút hay nhai thuốc lá mà chủ yếu là do họ hít phải (hay phơi nhiễm với) khói thuốc của người khác, thường là nam giới. Sự phơi nhiễm với khói thuốc này gọi là “hút thuốc thụ động”. Ví dụ, ở Trung Quốc, hơn 97% trong số những người hút thuốc lá là nam giới. Tuy nhiên, hơn một nửa phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi sinh đẻ thường xuyên bị phơi nhiễm với hút thuốc thụ động. Tính trên toàn cầu, trong số khoảng 600.000 ca tử vong hàng năm do hút thuốc thụ động, khoảng 64% là nữ giới.

Tại Việt Nam, thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến khoảng 40 ngàn ca tử vong mỗi năm, trong đó, phần lớn là ung thư. TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục khám chữa bệnh – Bộ Y tế, kiêm Chánh văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuộc lá quốc gia cho biết:

Phụ nữ và nam giới cần phải được bảo vệ khỏi ngành công nghiệp thuốc lá và tiếp thị thuốc lá, như đã được nêu rõ trong Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới. Có hiệu lực kể từ năm 2005, Công ước Khung khẳng định “có xu hướng gia tăng tỉ lệ hút và tiêu thụ thuốc lá ở phụ nữ trưởng thành và nữ trẻ tuổi trên toàn cầu” và nêu rõ “cần phải có các chiến lược kiểm soát thuốc lá cụ thể với tính riêng biệt hơn cho nam giới và nữ giới”.

Kiểm soát thực trạng hút thuốc lá ở nữ giới là một phần rất quan trọng của bất kỳ chiến lược kiểm soát thuốc lá nào trên thế giới. Như tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, bà Margaret Chan đã nói “Bảo vệ và nâng cao sức khoẻ phụ nữ là điều thiết yếu hướng tới sức khoẻ và phát triển – không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau”.

Hướng đến một môi trường không khói thuốc cũng chính là bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Nếu bản thân từng cá nhân trong cộng đồng xã hội ý thức được tác hại của việc hút thuốc lá, và tự giác chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ về việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng thì sẽ góp phần tạo nên một thói quen, một trật tự mà trong đó, người dân kiên quyết bài trừ khói thuốc lá vì một xã hội văn minh, sạch đẹp.