ThienNhien.Net – Ô nhiễm môi trường, nạn đánh bắt huỷ diệt, khí hậu thay đổi, thuỷ triều đỏ… cùng những hậu quả của hoạt động giao thông hàng hải đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các rạn san hô trên thế giới. Tại Việt Nam, từ lâu các chuyên gia đã cảnh báo trên 80% các rạn san hô đang gặp nguy hiểm, trong đó 50% bị suy giảm nghiêm trọng.
Theo báo Thanh Tra số 64 (29/05/2010), Viện Nghiên cứu Quản lý Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, biển Việt Nam có trên 20 kiểu hệ sinh thái với năng suất sinh học cao, là nơi cư trú của khoảng 11.000 loài, trong đó có trên 2.000 loài cá và đặc biệt là rạn san hô cực kỳ quý hiếm. Nhưng các mối đe doạ do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, đánh bắt huỷ diệt, …. đã khiến 80% các rạn san hô ở Việt Nam đang gặp nguy hiểm, trong đó 50% nguy hiểm nặng.
Không chỉ riêng Việt Nam, trong vòng 20 năm qua các nước Đông Nam Á đã mất đi 12% số rạn san hô, 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Cỏ biển mất 30 – 60% và rừng ngập mặn – chiếm 1/3 diện tích rừng ngập mặn thế giới – mất đến 70%.
Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không được quản lý tốt các rạn san hô ở Đông Nam Á sẽ biến mất vào năm 2020, còn rừng ngập mặn sẽ bị huỷ diệt vào năm 2030. Theo tính toán của các nhà khoa học, riêng tổng giá trị hàng hóa dịch vụ của các hệ sinh thái biển trên thế giới mỗi năm vào khoảng 33.000 tỷ USD. Giá trị của hệ sinh thái san hô vùng Đông Nam Á khoảng 112, 2 tỷ USD. Vì thế, nếu các hệ sinh thái biển suy giảm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà còn cả thiệt hại cho nền kinh tế.