ThienNhien.Net – Hiện nay, hơn 100 nhà khoa học trên thế giới đang cùng nhau tiến hành một nghiên cứu mới về những cơn lốc xoáy, được coi là tham vọng nhất trong lịch sử, với hy vọng nhằm cải thiện công tác dự báo về lốc xoáy.
Theo TS. David Dowell, một trong những nhà điều tra chính của nghiên cứu và là một nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NCAR), lốc xoáy được xếp trong số các loại hình thời tiết cực đoan nhất trên Trái đất. Chúng luôn khiến nhiều nhà khoa học tò mò tìm hiểu để trả lời cho câu hỏi điều gì đã tạo nên những cơn lốc xoáy tàn phá với cường độ cực mạnh.
Trước đây, nghiên cứu Vortex được thực hiện trong 1994-1995, đã thu thập được những dữ liệu quan trọng từ những siêu bão lớn kéo dài có thể sinh ra các cơn lốc xoáy.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, chỉ có một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ các cơn lốc xoáy được tạo ra từ những siêu bão, mà sự thay đổi mức độ tương phản nhanh chóng trong gió và nhiệt độ chỉ kéo dài vài dặm ở một khu vực cũng có thể làm xuất hiện một cơn lốc xoáy khá nghiêm trọng trong vài phút.
Xuất phát từ đó, các nhà khoa học đã nảy sinh ý tưởng cho một nghiên cứu mới về lốc xoáy.
|
Nghiên cứu mới này sẽ xây dựng trên những phát hiện từ nghiên cứu Vortex bản gốc, với việc sử dụng một loạt các ra-da di động tăng cường và các thiết bị cảm ứng thời tiết khác, cùng mạng lưới quan sát theo tiêu chuẩn để nhận biết các điều kiện khí quyển dẫn đến sự hình thành một cơn lốc xoáy và xây dựng bức tranh toàn diện về khu vực hay vùng phát triển các cơn lốc xoáy.
Hạm đội ra-da bao gồm 10 chiếc sẽ có nhiệm vụ theo dõi gió và lượng mưa trong cơn lốc xoáy cũng như tại khu vực xung quanh.
Nhóm nghiên cứu cũng sẽ sử dụng hơn 36 trạm đo đạc di động bề mặt và các trạm khí cầu, đồng thời đưa một khí cầu lên tới đỉnh của cơn bão để thu thập dữ liệu.
Vùng nghiên cứu sẽ kéo dài từ khu vựcTây bang Texas về phía Tây-Nam Minnesota, khoảng hơn 900 dặm (tương đương 1.450 km). Cụ thể, một loạt các thiết bị đo đạc sẽ được lắp đặt tại Great Plains (Mỹ) – nơi thường xuyên phải hứng chịu những trận bão táp hay cơn gió xoáy dữ dội hoành hành.
Hy vọng rằng, các dữ liệu thu thập được từ những thiết bị này sẽ cải thiện việc cảnh báo và dự báo về lốc xoáy.
Nghiên cứu được thực hiện với khoản tài trợ 12 triệu USD từ Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, thực hiện từ tháng 4 đến giữa tháng 6/2010.