ThienNhien.Net – Dự thảo Luật Thuế môi trường do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đang thu hút sự quan tâm của nhiều cá nhân và tổ chức. Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PaNature) phối hợp với Mạng lưới Môi trường Việt Nam (Vietnam Environmental Network – VEN – Diễn đàn của các chuyên gia môi trường Việt Nam) đã thảo luận và đưa ra những góp ý xây dựng Dự thảo, gửi Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội.
“Đã thu thuế môi trường thì không thu phí nữa”
Thuế môi trường và phí môi trường: Thu cả đôi?
Đồng ý với những mục tiêu thay đổi hành vi nhằm mang lại lợi ích cho môi trường quy định trong Dự thảo, nhưng PanNature và VEN cho rằng: Đối với một số trường hợp nhất định, việc đánh thuế môi trường chưa làm nổi bật được ý nghĩa cũng như đảm bảo hiệu quả của việc bảo vệ môi trường trên thực tế. Giả như, thị trường xăng dầu hiện nay ở Việt Nam không phải là một thị trường cạnh tranh, bản thân người tiêu dùng cũng không có lựa chọn cho sản phẩm khác thay thế. Chính vì vậy, đánh thuế môi trường sẽ làm giá xăng dầu tăng lên, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận, trong khi khó lòng kỳ vọng vào những đổi thay tích cực về môi trường.
Việc tính thuế – đánh vào người tiêu dùng với mục đích nhằm thay đổi hành vi sử dụng của họ, ít có khả năng tạo ra động lực thúc đẩy, khuyến khích (thậm chí bắt buộc) nhà sản xuất tìm kiếm, ứng dụng phương tiện, công nghệ thân thiện hơn với môi trường… Vì vậy, Dự thảo cần chú ý đến mục đích đánh thuế các sản phẩm gây ô nhiễm để khuyến khích người sử dụng dùng các sản phẩm thay thế khác, ít có hại cho môi trường.
Cùng với những góp ý Chính phủ nên xem xét áp dụng thuế cho các loại phân bón hóa học vì những tác hại của nó đối với đất trồng; xem xét xây dựng mức thuế đối với từng nhóm sản phẩm theo mức độ gây ô nhiễm; xem xét áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm (%)…, PanNature và VEN cũng kiến nghị Quốc hội không nên thông qua Dự thảo Luật Thuế môi trường lần này. Bởi lẽ, Luật thuế tài nguyên số 45/QH12/2009 mới được ban hành, cần có thời gian theo dõi, đánh giá kinh nghiệm và hiệu quả thực hiện để áp dụng vào Luật thuế môi trường; tình trạng lạm phát trong nền kinh tế vẫn khá cao, áp dụng luật thuế môi trường mới dễ gây tăng giá hàng hóa…
Trường hợp thông qua, Quốc hội cần xây dựng cụ thể lộ trình thực hiện, để mang lại hiệu quả cao nhất.
Xin xem toàn văn bản góp ý tại đây.