Phạt tiền hành vi xả rác vào nước sinh hoạt

ThienNhien.Net – Cá nhân, gia đình có hành vi xả rác, chất thải sinh hoạt, chất thải của người và gia súc vào nguồn nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng. Đây là một trong những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế dự phòng, môi trường và phòng, chống HIV/AIDS đang được Bộ Y tế chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.


Theo đó, mức phạt hành chính cao nhất đối với hành vi vi phạm về y tế dự phòng và môi trường dự kiến là 40 triệu đồng.

Cụ thể, hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường ở các cơ quan, bệnh viện, trường học, nhà trẻ và các nơi công cộng khác; bàn ghế nơi dạy học có kích thước không phù hợp với tầm vóc học sinh, không đủ ánh sáng thiên nhiên hoặc nhân tạo trong lớp học; không bảo đảm tiêu chuẩn diện tích tính theo một học sinh; không đủ nước uống, nước rửa, hố xí hợp vệ sinh cho học sinh theo quy định… sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng – 1 triệu đồng/hành vi.

Hành vi sản xuất, kinh doanh các loại đồ dùng, phương tiện học tập, đồ chơi cho trẻ gây hại đến sức khoẻ của trẻ em, học sinh sẽ bị phạt từ 2 – 5 triệu đồng; hành vi bán rác thải y tế chưa qua xử lý cho các cơ sở sản xuất, chế biến để tái chế sản xuất các đồ gia dụng và các vật dụng khác bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm về vệ sinh lao động như không thực hiện việc khám sức khoẻ cho người lao động trước khi tuyển dụng; không thực hiện các quy định về chăm sóc sức khoẻ lao động nữ… sẽ bị phạt từ 1 – 7 triệu đồng tùy theo số lao động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mức phạt 5 – 10 triệu đồng sẽ áp dụng đối với hành vi không có biện pháp và thiết bị để xử lý chất độc, khí độc, khói bụi, nước thải nhiễm độc, chất thải công nghiệp và các yếu tố độc hại khác; không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động…

Không tiêu hủy động vật, thực phẩm lây bệnh bị phạt tới 20 triệu đồng

Đối với các vi phạm về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dự thảo quy định, hành vi không tổ chức thực hiện việc cách ly đối với các trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền… sẽ bị phạt từ 1 – 5 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi không chấp hành quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh.

Mức phạt cao từ 15 – 20 triệu đồng sẽ áp dụng đối với các hành vi: Không chấp hành yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không chấp hành quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch…

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định này cũng nêu rõ các vi phạm trong phòng, chống HIV/AIDS, với mức phạt từ 3 – 40 triệu đồng.