ThienNhien.Net – "Bắt chước hương vị ong cái để dụ dỗ ong đực tới thụ phấn, đó là khả năng đặc biệt, chỉ có ở phong lan." – các nhà khoa học nhận định.
Để tìm hiểu thêm về cách thức chiêu dụ ong của các loài phong lan, một nhóm các nhà nghiên cứu Bỉ, Thụy Sĩ và Italy đã nghiên cứu về hai loài lan sinh trưởng tại miền Nam nước Pháp: Ophrys arachnitiformis và Ophrys lupercalis. Khi thu hút ong đực bằng cách giả mùi hương của ong cái, các loài hoa này đã tiết ra đồng thời nhiều mùi hương để quyến rũ các loài ong khác nhau.
Mặc dù nhiều loài ong tìm đến hoa cùng lúc song mỗi con chiếm lĩnh một vị trí riêng nên các nhà khoa học khẳng định hầu như không có cơ hội xảy ra thụ phấn chéo.
Thực tế ngược lại đã làm các nhà khoa học rất đỗi rất ngạc nhiên. Họ phát hiện ra một quần thể lớn loài lan mới, là “con lai” của hai loài hàng xóm với nhau này.
Khi quan sát bằng thiết bị, nhóm nghiên cứu đã thấy rằng các chú ong vốn chỉ bị thu hút bởi chỉ một loài phong lan, nay vì một lý do nào đó đã bị “dụ dỗ” bởi loài lan khác.
”Chúng tôi đã thấy con đực của một loài ong thường ghé tới Ophrys arachnitiformis nay đang ghé thăm cả các loài lan khác. Con ong này mang phấn của loài lan này trên đầu và phấn của loài khác trên lưng.” – Tiến sĩ Vereecken, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Chỉ cần qua một lần hút mật, chú ong đã phá vỡ sự cách ly sinh sản một cách nhanh chóng.
Chưa hết, sau khi nghiên cứu kỹ hơn loài lan mới được lai tạo, các nhà khoa học phát hiện một điều đáng ngạc nhiên khác.
Trước đây, các nhà khoa học nghĩ rằng mùi hương mời gọi kết đôi do cây lai tỏa ra sẽ là mùi trung gian giữa các mùi do cây bố mẹ tạo ra. Tuy nhiên, cây lai này lại tạo ra mùi hương hoàn toàn khác, quyến rũ một loài ong mới.
Điều này có nghĩa là, cây lai khi trưởng thành nếu có thể sinh sản, thì chúng sẽ tiếp tục tạo ra một loài lan mới khác.