ThienNhien.Net – Châu Sơn từng nóng bỏng một thời về tình trạng phá rừng bởi những lâm tặc liều lĩnh mong thoát khỏi cái nghèo. Nhưng trở lại Châu Sơn hôm nay, nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi chứng kiến những lâm tặc một thuở giờ lại là những người trồng và giữ rừng tích cực.
Theo thông tin của Đài tiếng nói Việt Nam, hơn 100 gia đình ở Châu Sơn (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) trước từng kiếm sống bằng nghề khai thác rừng trái phép: chặt cây đốt than, săn bắn thú hoang, khai thác lâm sản…; nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá lên, rừng thì ngày càng suy thoái.
Trước đây, từ người già tới người trẻ ở Châu Sơn thường tập trung thành từng đoàn hàng ngày vào rừng mang theo cưa, rìu, súng săn… Họ chặt cây, đốt than ngay trong rừng khiến hơn 1.500 ha rừng quanh Châu Sơn bị sa mạc hóa. Khi kiểm lâm vào rừng, họ sẵn sàng rượt đuổi và đánh trả.
Khai thác trái phép, sợ sự truy đuổi của pháp luật, lại luôn phải đối mặt với nguy cơ lũ rừng tàn phá mùa màng, sông suối xói lở, cuộc sống của người dân nơi đây càng thêm cơ cực, trẻ con thì bỏ học vào rừng đốt than, nhem nhuốc và xơ xác.
Chính những thực tế ấy đã thôi thúc người dân Châu Sơn đồng lòng đoạn tuyệt với phá rừng, quyết tâm làm kinh tế mới từ rừng bắt đầu vào cuối năm 1995 khi Lâm trường Đơn Dương mạnh dạn giao cho thôn Châu Sơn gần 2.000 ha rừng trồng, quản lý bảo vệ với mức giao khoán 50.000 đồng/ha/năm.
Người dân đã sửa lại nhà cửa quay mặt vào rừng để tiện quan sát, theo dõi, giữ rừng. Còn 50 người đàn ông từng là những kẻ phá rừng một thời đã tự lập ra một Đội Quản lâm đặc biệt thay phiên nhau canh rừng.
Sau 15 năm từ ngày thôn Châu Sơn nhận giữ rừng, hơn 300 đợt đột nhập của các nhóm lâm tặc đã bị phát hiện truy quét, và khoảng 2.000 ha rừng do thôn quản lí không một tiểu khu nào bị xâm hại, toàn thôn không có ai vi phạm luật bảo vệ tài nguyên rừng. Rừng đã xanh trở lại, cuộc sống của người dân cũng được cải thiện.