ThienNhien.Net – Hạn hán và cạn kiệt nước đã diễn ra trên diện rộng ở lưu vực sông Hồng trong thời gian vừa qua. Theo các nhà khoa học, một trong những nguyên nhân đó là do hoạt động của các nhà máy thuỷ điện tại Trung Quốc ở vùng thượng nguồn đã làm biến đổi chế độ dòng chảy sông ở Việt Nam.
Dựa trên kết quả kiểm tra thực tế địa bàn ở một số tỉnh phía Bắc thuộc lưu vực sông Hồng như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Hoà Bình…kết hợp với số liệu quan trắc, thống kê, các nhà khoa học đã đưa ra 6 nguyên nhân gây nên tình trạng hạn hán và thiếu nước trên lưu vực sông Hồng.
Nguyên nhân thứ nhất là do mùa mưa năm 2009 kết thúc sớm, lượng mưa ở Bắc Bộ lại ít, nhiều ngày không mưa, nắng nóng kéo dài gây nên tình trạng cạn kiệt dòng chảy. Nền nhiệt các tháng mùa khô năm 2009-2010 cao hơn trung bình nhiều năm từ 2 – 3,8oC.
Nguyên nhân thứ hai là do hoạt động của các nhà máy thuỷ điện ở Trung Quốc đã làm biến đổi chế độ dòng chảy ở Việt
Kết quả kiểm tra tại công trình thuỷ điện Sơn La, sông Đà và nhánh sông Nậm Na ở Lai Châu, sông Lô ở Hà Giang đều cho thấy xảy ra tình trạng mực nước biến động trong ngày. Đặc biệt, nước sông Đà tại Mường Tè trở nên trong hơn nhiều so với các năm trước đây do các hồ chứa Trung Quốc giữ lại phù sa, làm ảnh hưởng đến đời sống các loại thuỷ sinh và nguồn lợi thủy sản của bà con.
Các tỉnh có rừng đầu nguồn dù diện tích che phủ tăng song chất lượng rừng không cao được cho là nguyên nhân thứ 3, gây kiệt sông suối vào mùa khô. Diện tích rừng nguyên sinh, phòng hộ, rừng có chất lượng ở Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang giảm dần, còn diện tích rừng nghèo kiệt, rừng thưa lại tăng lên làm mất đi khả năng giữ nước tại vùng đầu nguồn.
Nguyên nhân thứ tư được các nhà khoa học đề cập đến chính là việc tích – xả nước bất hợp lý của các hồ chứa lớn trên sông Hồng. Khi mùa khô đến, các nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Tuyên Quang, Thác Bà thường vận hành để đáp ứng nhu cầu về điện mà chưa quan tâm tới hạ du. Hơn nữa, dòng nước từ các hồ chứa vào mùa cạn đều trong hơn vì phù sa lắng đọng ở thượng lưu do đó gây nên tình trạng xói lở, sạt lở và biến hình các lòng sông ở hạ lưu.
Nước ngầm, nguồn cung cấp cho sông trong mùa khô, bị suy giảm do khai thác quá mức là nguyên nhân thứ năm mà các nhà khoa học cho là gây nên tình trạng thiếu nước và hạn hán ở lưu vực sông Hồng. Theo các nghiên cứu, mực nước ngầm tại Hà Nội đang giảm xấp xỉ 1m/năm.
Nguyên nhân thứ sáu theo các nhà khoa học là việc đáy sông bị hạ thấp. Nguyên nhân của việc đáy sông bị hạ thấp có thể là do tác động của hệ thống hồ chứa thượng nguồn đã giữ lại phù sa bồi đắp sông do hoạt động khai thác cát trên sông hoặc nạo vét lòng sông.
Theo thống kê, liên tiếp từ năm 2000 đến nay, mực nước sông Hồng hàng năm đều “đạt” mốc thấp kỷ lục. Chúng ta cần phải có những biện pháp để giảm nhẹ và khắc phục tình trạng cạn kiệt và thiếu nước trên lưu vực sông Hồng như tăng cường giám sát nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam, giám sát việc khai thác và sử dụng nước, đặc biệt là ở hạ du các hồ chứa. Bên cạnh đó là việc thay đổi chế độ vận hành xả nước và tích nước của các hồ chứa, tăng độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng, thực hiện các biện pháp bảo vệ và khôi phục nguồn nước ngầm…
*Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, tháng 05/2010.