Nhập nhằng chuyện túi nilon phân hủy sinh học

ThienNhien.Net – Túi phân huỷ sinh học được kỳ vọng là giải pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và khắc phục tình trạng thiếu đất chôn lấp rác thải nilon. Song nạn hàng giả và sự thiếu rõ ràng thông tin về nhãn mác đã gây khó khăn cho cả người tiêu dùng, các nhà sản xuất chân chính lẫn cơ quan quản lý. Câu chuyện túi nilon và túi phân hủy sinh học vẫn loanh quoanh, khó xử ngay cả ở những nước phát triển như khu vực Bắc Mỹ.

 

Thật giả lẫn lộn

 

Ngay khi túi phân hủy sinh học được tung ra thị trường Bắc Mỹ, người tiêu dùng đã được cảnh báo nguy cơ hàng giả. Một số nhà sản xuất đã bị kiện vì không tuân thủ tiêu chí sinh thái, một số thành phố đã cấm sử dụng loại túi này với lý do không phải tất cả các loại túi phân hủy sinh học đều có thể tự phân hủy.

 

Dưới nhãn mác “phân hủy sinh học”, loại túi này rất dễ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với những túi thực sự có lợi cho môi trường.

 

Theo Giám đốc điều hành của Liên minh môi trường Toronto, ông Franz Hartmann, chia sẻ kinh nghiệm “Để biết được một cái túi có thân thiện môi trường hay không, hãy đặt câu hỏi: Nó được làm từ chất liệu gì? Nếu nó được làm từ ngô hoặc một số loại rau quả thì nó thực sự có thể phân hủy thành phân bón”.

 

Tuy nhiên, do các nhà sản xuất túi đôi khi cố tình nhập nhèm không nêu các thành phần nguyên liệu làm nên chiếc túi nên việc thẩm định cái túi đó có mang tính sinh thái không dễ.

 

Thêm một cách khác để kiểm định túi phân hủy sinh học là cần kiểm tra xem túi đó có xác nhận của cơ quan có chuyên môn và thẩm quyền hay không. Ở Bắc Mỹ, đó có thể là Viện Sản xuất Sinh học New York hoặc của The Bureau de normalisation du Québec, một thành viên của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Canada.

 

Túi có xác nhận được đảm bảo hơn rằng chúng đã qua thử nghiệm tại các phòng thí nghiệm và được chứng minh phân hủy sau một thời gian nhất định. 

Cũng cần phân biệt, có sự khác nhau giữa túi phân hủy sinh học và túi phân hủy compost. Bà Susan Antler, Giám đốc điều hành của Hội đồng phân hữu cơ Canada cho biết, túi phân hủy sinh học dùng để chỉ một sản phẩm một cách chung chung rằng chúng có thể thay đổi cấu trúc hóa học của nó trong quá trình phân hủy, nhưng không xác định thời gian cũng như sản phẩm sau phân hủy. Còn đối với túi phân hủy compost, chúng sẽ phân hủy trong một môi trường cụ thể, sau một khoảng thời gian cụ thể, và sản phẩm thu được là phân compost.

 

Theo Steven Mojo, Giám đốc điều hành Viện sản xuất sinh học New York, túi dán nhãn phân hủy sinh học xuất hiện lần đầu tiên ở Bắc Mỹ từ năm 1980. Mặc dù các nhà sản xuất đã khuyếch trương rất nhiều rằng những chiếc túi là sinh thái, thân thiện với môi trường, nhưng trên thực tế, nhiều loại túi thậm chí hại cho môi trường.

 

Chúng không phân hủy mà phân rã thành từng mẩu nhỏ, lẫn vào môi trường và nguồn nước. Những mẩu nhỏ này để phân hủy hoàn toàn mất hàng thập kỷ hoặc cả trăm năm.

 

Bang California của Mỹ đã cấm các nhà sản xuất túi sử dụng nhãn phân hủy sinh học. Họ cấm cả việc dán nhãn túi “phân hủy được trong môi trường nước biển” hay phân hủy compost, trừ khi các nhà sản xuất có được chứng nhận của Hiệp hội Thử nghiệm và Vật liệu Mỹ.

Còn ở Canada, túi phân hủy compost đã du nhập khoảng trên dưới thập kỷ, song thịnh hành khoảng 5 năm trở lại đây. Người tiêu dùng vẫn nghĩ rằng loại túi phân hủy compost này sẽ phân hủy nhanh chóng trong điều kiện thu gom và chôn lấp rác thông thường, nhưng thực chất, người ta đã thiết kế chúng phân hủy trong điều kiện xử lý công nghiệp, có nghĩa dưới sư giám sát và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm…

 

Các chuyên gia cũng cho biết một khu chôn lấp rác thường không được thiết kế phục vụ quá trình phân hủy sinh học rác từ các vật liệu khác nhau. Vì vậy, họ khuyến cáo người tiêu dùng nên lưu tâm khi đối với túi phân hủy sinh học cũng như túi phân hủy compost. Ở một số địa phương thuộc Bắc Mỹ, người ta đã thiết lập chương trình chứng chỉ tự nguyện để kiểm định những thông tin của nhà sản xuất thông qua các cuộc giám định độc lập.

 

Tái chế túi nilon có phải là tối ưu?

 

Thành phố Toronto của Canada chọn một cách khác để xử lý vấn để rác nilon. Kể từ tháng 12/2008, toàn thành phố triển khai chương trình thu gom túi nilon đã qua sử dụng bằng hệ thống thùng rác sơn màu xanh da trời.

 

Rác nilon thu gom được bán cho một cơ sở chuyên xử lý, nấu chúng thành các khối nguyên liệu thô, cung cấp cho các nhà sản xuất đồ nhựa. Như vậy ít nhất, rác nilon đã được tái chế thành sản phẩm tiêu dùng lâu bền chứ không bị phân rã và lẫn vào môi trường.

 

Bắt đầu từ ngày 1/6 tới, thành phố này sẽ áp dụng lệnh cấm toàn bộ các cơ sở bán lẻ phân phối các túi mua sắm là túi phân huỷ sinh học và túi phân hủy compost, bởi cho rằng chúng có thể lẫn vào hệ thống thùng rác xanh của thành phố. Nhưng bên cạnh đó, người dân vẫn tiếp tục dùng hệ thống thùng rác compost đã có sẵn để thu gom rác hữu cơ.

 

Nhận xét về chương trình này, một số chuyên gia môi trường cho rằng Toronto đã đi sai hướng. Lẽ ra thành phố nên cấm tuyệt đối việc sử dụng túi nilon cho mua sắm, chứ không phải tái chế chúng như hiện nay. Khi đó, các túi mua sắm sẽ chỉ còn lại duy nhất là túi phân hủy compost.

 

Câu hỏi phản biện được đặt ra là: “Tại sao chúng ta vẫn cứ sử dụng nguồn tài nguyên không tái tạo được, dù thừa biết rằng chúng phát thải khí nhà kính và phát sinh các chất độc hại trong quá trình sản xuất và tái chế?”