ThienNhien.Net – Đó là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Vinh, Tổng Hội Địa chất Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh: "trữ lượng khoáng sản – đó là cái hữu hạn”
Con số ảo tưởng về về tài nguyên
Theo kết quả thăm dò của ngành Địa chất, Việt Nam hiện có trên 5.000 mỏ và điểm mỏ khoáng sản với hơn 60 loại khoáng sản khác nhau. Hầu hết các mỏ và điểm mỏ khoáng sản của nước ta có quy mô nhỏ và vừa lại nằm phân tán ở những địa điểm không thuận lợi cho việc khai thác. Các mỏ có quy mô công nghiêp không nhiều.
Một số loại khoáng sản có trữ lượng khá, như: Bô xít, than đá, đất hiếm nhưng giá trị kinh tế không thật cao, và thế giới có rất nhiều. Trữ lượng bô xít của nước là được thế giới ghi nhận là 2,1 tỷ tấn (thế giới là 27 tỷ tấn); sắt chúng ta có khoảng 760 triệu tấn (thế giới là 160.000 tấn); than đá chúng ta có 3,46 tỷ tấn (thế giới có trên 1.040 tỷ tấn).
Từ trước, chúng ta luôn lạc quan cho rằng, Việt Nam là nước phong phú, đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, trữ lượng dồi dào. Tuy nhiên, khi sự lạc quan đó dựa trên những con số thiếu chính xác, sự nhầm lẫn khái niệm (khái niệm tài nguyên và trữ lượng trong khoáng sản là khác nhau). Khi nói đến tài nguyên thì con số dự đoán có thể có sai số rất lớn, nhưng nói đến trữ lượng, thì con số là chính xác đến 70 – 90%, hoặc hơn.
Đối với một lĩnh vực có tầm hệ trọng quốc gia như vấn đề khoáng sản, việc số dựa trên liệu sát thực là rất quan trọng, vì hiểu sai sẽ có thể dẫn đến những sai lầm trong hoạch định chính sách, kéo theo hệ lụy các vấn đề không dễ gì tháo gỡ hay khắc phục.
Trước đây, dư luận trong nước từng xôn xao về thông tin Việt Nam phát hiện một lượng lớn quặng ilmenit ở miền Trung với trữ lượng 600 triệu tấn. Với nguồn tài nguyên ilmenit nhiều “bất tận” như vậy, sẽ hứa hẹn mang về cho đất nước hàng nghìn tỷ USD phục vụ phát triển đất nước. “Nếu thật như vậy thì mừng quá, nhưng thực tế có phải thế hay không, đó lại là một chuyện hoàn toàn khác. 600 triệu tấn – chỉ là con số thôi, đó là lượng tài nguyên phỏng đoán, mà đã là tài nguyên thì có thể sai số là rất lớn. Còn thực tế thì trữ lượng khoáng sản ilmenit (trữ lượng thực, có thể khai thác) của chúng ta chỉ khoảng 12,2 triệu tấn mà thôi, tài nguyên là 200 triệu tấn” – PGS.TS. Vinh diễn giải.
Than đá ở Quảng Ninh chúng ta có khoảng 3,46 tỷ tấn, với nước ta, trữ lượng như thế là nhiều, nhưng nếu so sánh với thế giới thì chỉ bằng 3‰. Hiện nay, theo dự báo của ngành Than Việt Nam, thì nguy cơ phải nhập khẩu than đang hiện hữu chỉ trong vài ba năm nữa với hàng triệu tấn than nhập khẩu mỗi năm.
Dầu khí của chúng ta cũng tương tự. Sản lượng dầu khí chúng ta có thể khai thác được là 1,2 tỷ tấn dầu quy đổi, tính ra, trữ lượng dầu mỏ của chúng ta cũng chưa vượt quá 3‰ của thế giới, và nhiều khả năng cũng chỉ đáp ứng cho việc khai thác trong khoảng 20 năm nữa chứ không phải là 30 năm nữa như đã dự báo; đồng của chúng ta chỉ bằng 1‰ thế giới, với hơn 5 trăm nghìn tấn.
Không nên coi khoáng sản là “cứu cánh” của nền kinh tế
Với quan điểm: “Chính con người mới là nguồn lực phát triển bền vững của đất nước”, ông Nguyễn Trung – Nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: “Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu chúng ta coi khoáng sản là cứu cánh nền kinh tế”.
Trước đây, một nhà nghiên cứu người phương Tây đã nói “Các bậc cha mẹ giàu có thi thoảng đầu độc tư tưởng lũ trẻ của họ. Mẹ thiên nhiên cũng không ngoại lệ”. Câu nói này dường như rất đúng với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản cảu nhân loại, khi mà từ những năm 1980 – 1990 của thế kỷ trước, rất nhiều nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đã dựa vào chính nguồn tài nguyên như là “bản hộ mệnh” cho nền kinh tế thông qua xuất khẩu, nhưng kết quả thu được thì lại không như mong đợi của họ.
Dẫn chứng cho điều này, có lẽ Nigeria là một trong những điển hình. Là nước có trữ lượng dầu thô đứng thứ 10 thế giới, trong thời gian từ năm 1965 – 2000, nguồn thu từ dầu mỏ của Nigeria lên đến 10 tỷ USD trong 35 năm. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người không những không tăng lên mà còn giảm từ 1.113 đô la trong những năm 1970 xuống còn 1.084 đô la vào năm 2.000. Do đó, Nigeria là một trong những nước nhèo nhất thế giới (đến năm 2.000) trong khi đó tỷ lệ nghèo đói tăng từ 36% năm 1965 lên đén 70% vào năm 2.000. Và điều này đã buộc đất nước Tây Phi này tiến hành cải cách mạnh mẽ cơ chế vận hành đất nước, sau những hệ lụy của việc lạm dụng tài nguyên khoáng sản trong cơ cấu các ngành kinh tế đất nước, để hướng đến tương lai.
Trước thực trạng đó, nhiều học giả của Ngân hàng Thế giới đã tiến hành thu thập dữ liệu nghiên cứu và đánh giá mối môi liên quan ở những nước có nhiều tài nguyên khoáng sản và sự tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP của đất nước. Sau nhiều năm tìm tòi, phân tích dữ liệu thu thập được các học giả này đã đưa ra những kết luận là những nước giàu tài nguyên thiên nhiên thường bị rơi vào tình trạng phát triển kinh tế chậm, và gọi là “lời nguyền tài nguyên”. Và không riêng Nigeria, mà nhiều nước giàu khoáng sản khác như Xu Đăng, Công Gô, ngay cả Hà Lan – quốc gia có nhiều dầu mỏ ở châu Âu, cũng bị không tránh khỏi hiện tượng “Lời nguyền tài nguyên”.
Cũng chính vì bài học kinh nghiệm từ những nước có nhiều tài nguyên khoáng sản, nên khi nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Vinh phát biểu rằng Việt Nam không giàu về tài nguyên khoáng sản, Ông Jassson Morris – Jung – Giảng viên trường đại học Califonia Berkerley, Mỹ cảm thấy nhẹ nhõm: “Tôi xin nói rằng đấy là một cái tin rất là tốt lành cho đất nước các bạn”.
Giải thích cho câu nói của mình, ông Jassson Morris – Jung: “Bởi vì đã có những nghiên cứu thuyết phục cho thấy những nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú thì thường bị rơi vào tình trạng kinh tăng trưởng chậm, thậm chí là kém phát triển”.
Những năm gần đây, chúng ta đã dựa quá nhiều vào khoáng sản trong phát triển và tăng trưởng kinh tế. Chính vi tư tưởng “lạc quan ảo” về sự giàu có của nguồn tài nguyên nước nhà mà chúng ta cho rằng với hàng nghìn mỏ và điểm mỏ của chúng ta là nguồn tài nguyên vô tận, có thể phục vụ cho yêu cầu kiến thiết đất nước dài lâu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Vinh nói: “Những khoáng sản mà chúng ta có trữ lượng khá như đất hiếm, ilminit, than… thì thế giới không cần hoặc cần ít vì họ có nhiều. Trong khi, các loại khoáng sản thế giới cần thì chúng ta không có, hoặc nếu có thì trữ lượng không đáng kể, ví dụ như vàng, dầu mỏ. Kim cương là một trong những khoáng sản đặc biệt quý hiếm trên thế giới thì chúng ta chưa phát hiện thấy”.
Là một trong những nguồn tài nguyên rất quan trong nền kinh tế quốc dân, nhưng khoáng sản không phải là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà hay là “cứu cánh” của sự tăng trưởng bền vững. Nước ta không giàu về tài nguyên khoáng sản, đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách có những sách lược bước đi thích hợp để quản lý, mới mong khai thác và sự dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên hiện có.