Rừng bị đe doạ vì … nhựa trám

ThienNhien.Net – Đục cây trám lấy nhựa (mủ) là một nghề đã có từ lâu của cư dân xã An Lạc, tỉnh Bắc Giang. An Lạc nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, vì vậy nguy cơ rừng bị lạm dụng là rất cao.


Theo phản ánh của báo Khoa học và Đời sống ngày 16/05/2010, nhựa Trám ở Nà Ó nhiều và chất lượng tốt, nhựa trắng, sạch dăm nên thường bán được với giá cao hơn so với nơi khác. 

Với giá bán dao động từ 27.000 – 30.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày mỗi người dân cũng kiếm được từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Vì đục trám đầu tư ít vốn lại có thu nhập cao nên nhiều hộ đã sắm sửa được xe, xây nhà, nuôi con học đại học…Chính sức hút đó đã khiến người dân trong An Lạc đổ xô đi đục trám.

Mỗi ngày, hàng chục thậm chí hàng trăm kg nhựa trám được khai thác, vận chuyển và tiêu thụ trên địa bàn. Người dân không chỉ đục cây trám trên đất của họ mà còn đục cả cây trám trong rừng thuộc khu bảo tồn.

Người dân còn dựng lều trại ngủ luôn trong rừng để tiện khai thác. 

Được biết, gần 10 năm trước khi người dân mới đục trám thì bị cấm, nếu bị bắt sẽ bị tịch thu cả tang vật lẫn phương tiện vận chuyển. Lệnh cấm khai thác nhựa trám cũng đã được ban bố nhiều lần, nhưng bây giờ người dân gần như tự do vào khu bảo tồn để khai thác nhựa trám.

Bị “đục khoét” dữ dội, nhiều cây trám đã chết. Người dân lại càng tiến sâu hơn vào rừng tìm trám. Nguy cơ khu bảo tồn bị tàn phá là điều không tránh khỏi.